TÔI LÀ SINH VIÊN CƠ ĐIỆN
(Bài dự thi cuộc thi viết “Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Những ký ức đi cùng năm tháng” – Mã số: TNUT-2020-006)
Tôi trở laị Thái Nguyên nhiều lần và lần nào cũng như người đi xa lâu ngày trở về quê. Hơn 50 năm, tôi vẫn quen gọi là đi về Bắc Thái. Tôi biết bạn bè cùng học Ở Trường ĐẠI CƠ ĐIỆN BẮC THÁI cũng giống như tôi.
Bắc Thái ơi, vùng tuổi trẻ của chúng tôi.
Một chiều mùa thu năm 1969 chúng tôi nhập trường. Ngày ấy tôi náo nức bao nhiêu thì cũng là những ngày chúng tôi buồn da diết. Đó là những ngày Bác Hồ kính yêu vừa từ trần. Tôi đến ga Lưu Xá vào lúc chiều tối, chỉ mới một ngày xa mẹ thôi mà tôi nhớ quê quá thể. Hoàng hôn buông trên những chập chùng đồi bạch đàn leo heo và thấp thoáng nhà tranh neo đơn suốt một vùng cỏ úa. Trường của tôi với hơn 1000 người ở rải rác một vùng đồi có những cái tên Cầu Thông, Gò Dứa, Đầu Trâu, Ao dài, Hom giỏ. Đêm tối ở đây có những vì sao rất xanh. Lần đầu tiên có cảm giác những ngôi sao trời Việt Bắc xanh hơn ở nơi khác. Nửa thế kỉ sau đứng ở cổng trường chúng tôi không nhìn xa được bởi những vườn cây những dãy nhà cao tầng và làng xóm xanh ngắt với nhà cao, chứ ngày xưa chúng tôi nhìn hun hút vẫn nhận ra trường mình, nhận ra bởi các cột điện cao thế, lấy các cột điện để định vị cho các khóa 2, 3, 4, và khóa tôi là thứ 5. Chúng tôi vào trường bằng một suất vé đi lên Bắc Cạn, Chợ Mới Phú Lương cắt tranh và chặt nứa. Hơn nửa thế kỉ sau nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung ra một khoảng đồi rộng mênh mông ở xóm Gò Dứa là khóa 5 của chúng tôi. Khóa 5 tôi có 2 lớp điện - 4 lớp máy – và một lớp Kinh tế. Mỗi lớp có 2 nhà lợp tranh, vị chi là 14 ngôi nhà cho nam sinh, 2 ngôi nhà cho nữ sinh và 4 hội trường học to rộng . Một cái bếp chung cho 500 người ăn. Ngần ấy cơ ngơi đều do sinh viên khóa tôi lên rừng chặt tre nứa cắt tranh về làm lấy mà học. Mãi mãi chúng tôi không quên sáng lên lớp chiều học ở nhà, chỉ mong kẻng hết giờ học để lao ra sân đá bóng đá cầu. Mỗi tháng mỗi sinh viên tự túc cắt nộp cho nhà bếp 30 ki lo gam cỏ guột đun bếp. Từ năm thứ 2 nhà trường chia lớp nào tự nấu ăn lớp ấy, thế là chúng tôi thay nhau làm quản lí thủ kho và cùng nhau nuôi lợn nuôi bò, tự lo đi chợ mua rau, mua khoai, mua mắm mà nấu ăn. Những năm ấy bố mẹ ở nhà không hề biết rằng con cái mình đã trưởng thành cả về tất cả mọi mặt chứ không chỉ là học chữ.
Tôi viết thư về nhà bằng cái địa chỉ mà giấy báo đi Đại học gửi về địa phương cho tôi. Cái địa chỉ đầu đời mà bố mẹ tôi quí như báu vật. Tôi là niềm hi vọng của cha mẹ của một dòng họ vào tương lai. Quê tôi vốn rất nghèo và heo hút nay có tôi đi đại học mà lại học ở một trường danh tiếng Đại Học Cơ Điện Bắc Thái. Đó là “ K5X – Đội 11- HTX Thắng Lợi – BC11R” . Rồi sau này đời tôi trải qua bao nhiêu nơi công tác, nghĩ lại tôi chả nhớ cái địa chỉ nào như địa chỉ của thời sinh viên ĐH CƠ ĐIỆN trên Bắc Thái.
Tôi nhớ ngày 07/9/1969 trường tôi làm lễ Truy điệu Bác Hồ trên đồi Bạch đàn gần nhà thày Hiệu trưởng - Đỗ Hữu Phú. Tôi không quen biết các anh chị khóa trên, nhưng tất cả chúng tôi ai aincũng đồng cảm với nhau níu vào nhau mà khóc tức tưởi vì từ nay sẽ không còn Bác Hồ kính yêu nữa.
Lần đầu tiên chúng tôi biết thế nào là rét Thái Nguyên, lần đầu tiên chúng tôi biết đến khu Gang Thép to lớn của đất nước. Lần đầu tiên chúng tôi làm quen với toán học cao cấp, Cơ học Lí thuyết và Hình họa Vẽ Kĩ Thuật. Đói ăn, mặc rét nhưng hồ hởi và yêu những giờ học những môn học ngành học của mình. Chúng tôi luôn suy nghĩ về ngày mai về nghề Kĩ sư Cơ Điện của mình. Những môn học của chúng tôi gắn liền với một khu công nghiệp mang tên Bắc Thái. Trong hệ thống các trường Đại học ngày ấy ĐH Cơ Điện là trường có chương trình khá nặng. Chúng tôi tự hào vì mình đã được trau dồi kiến thức đại học ở một trường như thế. Với một trường ĐH như trường Cơ Điện của tôi thì các thày giáo tất nhiên phải là những người giỏi về khoa học, phải là người nhiệt tình và có sức khỏe để đủ sức vượt qua đạn bom lên vùng đồi núi khô cằn nghèo khó này để giảng dậy cho sinh viên và nghiên cứu khoa học.
Những khó khăn từ ngày đầu tiên thành lập trường đè lên vai các thày lãnh đạo các cô bác cán bộ nhân viên và các thày giáo đầu tiên cùng các anh chị khóa 1 khóa 2 của trường. Lớp học đầu tiên ở nhà dân và dựa vào dân. Những câu chuyện ăn ở sinh hoạt của khóa 2 dưới Phổ Yên cảm động lắm. Bom Mỹ đã thả vào trường ngay từ những ngày đầu tiên dựng trường. Bây giờ vẫn còn ngôi mộ thày giáo đã hi sinh vì bom Mỹ ở Phổ Yên ở cái nơi trường tôi mở lớp học đầu tiên.
Chúng tôi học hành và tiến bộ trong sự dạy dỗ nhiệt tình nhưng nghiêm khắc của thày cô giáo. Chúng tôi có sự đùm bọc yêu thương của các cô bác phục vụ trong trường. Ngày ấy mọi cán bộ phục vụ đều là công nhân gang thép chuyển sang hoặc những cô bác ở quê tình nguyện lên Bắc Thái xây dựng trường sở, là những anh chị TNXP chống Mỹ từ chiến trường về học kĩ thuật rồi làm công nhân hướng dẫn thực tập. Chúng tôi sống ở trường có một lớp người coi chúng tôi là em là cháu là bạn bè sắn sàng sẻ chia những khó khăn khi chúng tôi xa cha mẹ. Cuộc sống càng khó khăn gian khổ bao nhiêu thì ý chí vươn lên của người Cơ Điện càng lớn bấy nhiêu. Chính trong gian khổ ấy mà sự yêu thương đùm bọc của người Cơ Điện càng nồng ấm bấy nhiêu. Mãi mãi về sau này tôi tìm câu trả lời vì sao thày trò Cơ Điện ngày ấy sống bốc lửa nồng nàn như thế nhưng lại chân thành quí mến nhau, dịu dàng với nhau đến thế. Nói về Thầy trò và người Đại học Cơ Điện phải dùng hai chữ “ĐÙM BỌC”, “SẺ CHIA” mới đúng nghĩa. Càng khổ thì đức tính ấy càng nổi lên đằm thắm.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt thì trường Đại Học Cơ Điện lại càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Phải tổ chức ăn, ở, học hành, nghiên cứu khoa học, cuộc sống cho hai ngàn con người dưới bom đạn của cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ thì thật là phi thường. Ngày ấy mỗi khoa, mỗi bộ môn , mỗi phòng thí nghiệm, mỗi bếp ăn, mỗi khóa, mỗi lớp là một đơn vị tác chiến. Chỉ có lòng yêu thương sinh viên tột bậc, chỉ có tâm trí sáng suốt của người mẫn cảm kháng chiến mới làm nên những kì thi nghiêm túc và chất lượng. Chỉ có sự yêu thương học sinh như con em của mình thì mới có những bếp ăn những phòng thư viện phòng thiết bị phòng thí nghiệm và xưởng thực tập chu đáo miệt mài cả đêm cả ngày như thế. Khu đồi bạch đàn khi tôi vào trường gầy ngẳng nghiu, đến khi cây đã xanh cao thì chúng tôi tạm biệt nhà trường tòng quân đi đánh giặc. Một ngàn ngày tôi xa trường Đại Học Cơ Điện là một ngàn ngày chúng tôi nhớ trường nhớ lớp nhớ thày cô giáo. Từ năm 1970 đến hết năm 1974 trường tôi đã có đến hơn 500 thầy trò lên đường chiến đấu. Sau mỗi trận chiến đấu những người lính sinh viên Cơ Điện gặp lại nhau, ôm nhau nói chuyện về trường, tự hào nhắc cái tên Cơ Điện Bắc Thái. Cái tên Cơ Điện giống như một thương hiệu của người lính chiến của chúng tôi. Tôi chưa từng nghe và không thấy một người sinh viên Cơ Điện nào hèn nhát trong chiến đấu ở chiến trường. Tất cả những sinh viên đi chiến đấu làm dạng rỡ hai chữ Cơ Điện thân yêu.
Từ khi thành lập trường cho đến Hòa bình 1975 trường đã 3 lần đi sơ tán. Mỗi cuộc sơ tán là một cuộc chiến đấu xây dựng gian nan kì vĩ của nhà trường mà đứng đầu là Ban Giám hiệu. Ngày ấy các thày Đỗ Hữu Phú, Đỗ Quang Hân, tuổi đã cao nhưng lăn lộn hết khu A khu B khu C lại Đại Từ , Bình Định Tân Cương… Tôi nhớ các bác Nguyễn Sơn Tơn -Tổ chức, Bác Trần Hữu Tương -Đảng ủy. Bác Nguyễn văn Gặp- Công Đoàn và các bác Y tế như bác Lịch, bác Vân lăn lộn hệt như những người chỉ huy chiến trường. Có qua cuộc sống sơ tán mới hiểu lòng người thày và các cô bác phục vụ tận tình trách nhiệm với học sinh thế nào. Các bác theo trường theo lớp xa gia đình để chăm lo cho sinh viên chúng tôi miếng ăn giấc ngủ. Trong những năm kháng chiến như thế mỗi lần đến bộ môn nộp bài, hỏi bài thầy giáo, chúng tôi luôn được các thầy tươi cười đón tiếp, có hôm hỏi bài xong ở lại ăn sắn luộc, ăn mít cùng các thầy ở nơi sơ tán. Đã có những ngày có miếng ăn thầy trò mang đến cho nhau ở khu sơ tán sao mà đầm ấm thế. Tôi nhận thấy ngày ấy giữa sinh viên chúng tôi và các thầy không có một sự ngăn cách nào cả. Chỉ có lòng kính trong và yêu thương. Với chúng tôi các thầy cô là những người anh người chị công bằng, có trách nhiệm và yêu quí các em. Dù khó khăn đến bao nhiêu nhà trường cũng không quên trau dồi kiến thức văn hóa, ý thức chính trị cho sinh viên. Tôi nhớ năm nào chúng tôi cũng hội diễn văn nghệ và những kì nghe thời sự ở nơi sơ tán thật là lí thú.
Khi nghĩ về một mái trường người ta hay nghĩ đến qui mô, đến tương lại mà khi sinh viên ra trường sẽ ra sao. Đời sống bây giờ đã đổi thay nhiều nhưng tôi tin truyền thống của một nhà trường là tài sản vô giá mà đã là truyền thống thì khó đổi thay. Tôi ra trường đã hơn 40 năm, từ ngày ấy mỗi lần đi công tác từ Bắc vào nam , ở đâu cũng gặp đồng môn Cơ Điện. Nhìn giấy công tác là nhận ra nhau rồi như đã quen từ lâu lắm rồi. Những Kĩ sư Cơ Điện gặp nhau không phân biệt cấp cao hay cấp thấp, chỉ gọi nhau anh em trên dưới theo khóa học của nhau. Khóa trên khóa dưới chí tình chí nghĩa. Bây giờ đi ngược lên vùng Đông Bắc rồi men biên giới đi theo đường số 4 qua Lạng Sơn lên Cao Bằng sang Hà Giang, Lao Cai vòng qua Lại Châu về Sơn La Hòa Bình thì đâu đâu cũng thấy Kĩ sư Cơ Điện giữ những trọng trách trong ngành Cơ khí và Năng Lượng. Nếu bạn đã có chuyến du lịch như thế bạn sẽ hiểu người Cơ Điện thương nhau đến thế nào. Tôi rất tự hào mỗi khi lên Thủy điện Hòa Bình công tác, ở đó vào năm 1984 có một đoàn Kĩ sư Cơ Điện ra trường vác ba lô về thẳng công trường này và họ đã trở thành những cán bộ chỉ huy những mũi nhọn ở một công trình to lớn nhất Việt Nam lúc ấy. Tôi cứ hình dung các Kĩ sư Đại Học Cơ Điện trải bản vẽ thiết kế của mình khắp đất nước này. Không thiếu một tỉnh thành nào. Những bản vẽ thiết kế của trường tôi bắt đầu từ thiết kế con người rồi đến thiết kế khoa học. Bạn hãy đến các tập đoàn VINACONEX, LILANA, DẦU KHÍ, hay các nhà máy đóng tàu các công ty xây dựng, các nhà máy thép, các nhà máy xi măng các nhà máy quân giới…ngoài giàn khoan, các công trình thủy điện lớn nhỏ trên toàn đất nước … bạn sẽ gặp ban bè tôi, những kĩ sư khỏe khoắn giỏi giang rất tài hoa mà trên hết tấm lòng yêu trường cũ, yêu nghề , thủy chung với mái trường Đại Học Cơ Điện thân yêu.
Chúng tôi sắp vào tuổi 70. Trường Cơ Điện của tôi vào tuổi 55 thế mà khi nghĩ về trường là chúng tôi thấy mình rất trẻ. Chúng tôi ước gì được gặp hết các thày cô giáo cũ và các bác phục vụ để nói lời biết ơn của mình.
Khi trở về trường, đi dưới hàng cây xà cừ mà năm 1976 tôi làm bí thư chi đoàn lớp k9A, anh Tôn Thất Bá bí thư lớp k9B, anh Phí Thái Bình lớp trưởng lớp k9C chỉ huy trồng nay đã thành cổ thụ. Mỗi lần về trường đứng trước cổng trường bề thế mà vui mà sướng mà thỏa lòng ước ao. Ngày xưa chúng tôi thrfm một cái cổng trường mà không có. Cổng trường ngày ấy là những con đường đất đi vào từ tứ phía đồi cỏ và là con đường chúng tôi đi bộ ra xe tạm biệt trường lên đường đi ra trận. Nhìn giảng đường bề thế hiện đại và lớp lớp sinh viên trẻ đẹp sáng ngời mà tôi yêu trường làm sao. Tôi yêu ngôi trường đi lên từ gian khó từ nghèo nàn. Yêu nơi thử thách lòng kiên trì và thủy chung của mỗi người qua đó. Nơi đó làm nên tình người CƠ ĐIỆN. Với trường Đại Học Cơ Điện tình người là tài sản quí giá nhất của hơn nửa thế kỉ dựng xây.
Chúng tôi đã từng đi về "đồi k5", " k4" và nhớ nao lòng cánh rừng cỏ úa ngày xưa, nhớ thương các bạn sinh viên nằm lại ở chiến trường. Cuối năm nay chúng tôi sẽ trở về trường. Chúng tôi sẽ mang tấm lòng học trò cũ về đứng trước chân dung thày Đỗ Hữu Phú mà thưa với thày Hiệu trưởng và các thày cô đã mất rằng chúng em đã trưởng thành và đã là những công dân có ích .
Chúng tôi sẽ đến trước đài tưởng niệm thày trò ra trận mà hứa với các bạn mình rằng, chúng tôi những người lính Cơ Điện và cả thế hệ sinh viên ngày nay luôn nhớ, yêu, và biết ơn các bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét