(Bài dự thi cuộc thi viết “Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Những ký ức đi cùng năm tháng” – Mã số: TNUT-2020-023)
Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã trải qua 55 năm hình thành và phát triển, qua 4 lần đổi tên cho tới ngày nay.
Trải qua một chặng đường dài, vượt qua mọi khó khăn của buổi đầu xây dựng trong khói lửa chiến tranh, nhà trường đã tiến lên vững chắc mọi mặt.
Trường Đại học Cơ điện không hề có bộ Giáo trình và đội ngũ Thầy giáo khác biệt, nhưng đã đào tạo ra sản phẩm khác biệt cho xã hội mang đặc thù Cơ điện. Kỹ sư Cơ Điện ra trường thường Thành đạt và đóng góp lớn cho xã hội; Tình cảm thầy trò Cơ Điện ở đâu cũng bừng bừng như lửa cháy. Hiện tượng đó nói lên vai trò quan trọng của "đất học".
VĂN KHÍ TÍCH LƯƠNG:
Có một thời, trong lý lịch chúng ta truyền nhau ghi vào mục "Tôn giáo - Không" ! Thế nhưng gần 83% dân số đất nước này đều theo Đạo Học, Đạo học là quốc đạo, thế nên mới có Bộ Học ngày xưa và Bộ Giáo dục ngày nay. Đạo học có nhiệm vụ đào tạo những người trí thức đáp ứng nhu cầu xã hội (ngày xưa dùng chữ Nho, ngày nay dùng chữ Việt) .
Văn khí là gì ? Đó là khí chất văn chương, là chí khí học hành. Văn khí của một vùng miền nói lên vai trò quan trọng của môi trường. Nhà sư muốn đi tu thì phải vào núi lập chùa; Học là quá trình Tu thân, vì thế cũng phải có “đất”, đất này học tốt, đất kia học kém hơn.
Ví dụ đất Nghệ Tĩnh là đất học, văn khí núi Hồng sông Lam. Nghệ Tĩnh có nếp suy nghĩ truyền thống lâu đời là "Trọng nông ức thương". Nếp nghĩ đó kìm hãm phát triển xã hội, xã hội thuần nông, chợ quê cũng chỉ mang tính trao đổi vật phẩm chứ không có quy mô thương mại. Đất như vậy gọi là đất chết kẹt, người dân sống ở đó không thể đầu tư gì khác ngoài đầu tư tri thức, chỉ có một con đường là học để thoát ly. Đât chết kẹt trở thành đất học, nhiều thủ khoa sinh ra ở đất này. Các bà mẹ ru con từ bé:
"Con ơi mẹ dặn câu này
Chăm lo đèn sách cho tày* áo cơm
Làm người đói sạch rách thơm
Công danh là nợ nước non phải đền"
(tày* tiếng Nghệ là bằng, đầy đủ)
Theo luật nhân quả:
"Đất nghèo nuôi chí học hành,
Hy sinh đời mẹ ngọt lành đời con". Chính những người con "đất nghèo" đó đã hội tụ về bến đậu Tích Lương.
Khu Gang thép lúc đó có thế và lực rất mạnh, họ đã có sẵn mấy lớp đào tạo Dự bị đại học rồi và rất tích cực vận động Chính phủ thành lập phân hiệu đại học.
QĐ 164/Cp ngày 19/8/1965 thành lập “Phân hiệu Đại học Bách khoa tại Gang thép Thái Nguyên”, ông Trần Công Khanh giữ chức Hiệu phó Hành chính và Kiến thiết cơ bản; cuối năm đó thầy Đỗ Hữu Phú cũng được cử làm Hiệu phó (Hiệu trưởng vẫn là ông Hoàng Xuân Tùy của Trường DHBK). Nhờ có cán bộ các phòng ban của khu Gang thép chuyển sang giúp trường trong kiến thiết cơ bản xây dựng cơ sở vật chất buổi đầu. Cái duyên lớn làm cho trường Cơ Điện chọn đất Tích Lương cạnh Trường Trung cấp Cơ khí luyện kim là vậy.
Tích Lương theo nghĩa Hán Việt là đất sáng lành, gom điều lương thiện, có thể tạo nên “văn khí”. Tại sao Tích Lương lại là đất học ? Bởi vì nó là đất yên tĩnh, xa Thủ đô, xa Trung tâm Thành phố, tránh được sự phân tâm, vào đó chỉ có thầy và trò và chỉ có dạy và học. Chất lượng giảng dạy và học tập qua thời gian đã có tiếng, đã thành khí chất riêng của một vùng miền mà ta gọi là Văn khí Tích Lương.
Việc học muốn tốt trước hết "Ý phải chính Tâm phải thành": Ý có ngay thẳng chính trực thì Tâm mới thành thật và xác định được con đường giảng dạy và học tập đúng đắn, từ đó việc học mới đạt được sự hiểu biết thấu đáo tri thức của nhân loại. Cả thầy và trò được đặt trong nhiệm vụ chung vì dân giàu nước thịnh, ở đó chỉ có cống hiến, gắn bó mật thiết với nhau hơn trong cộng đồng Cơ Điện và kết quả giảng dạy và học tập tốt hơn.
"Thầy dạy miệt mài tìm phương pháp
Trò nghe rồi giữ lại cái gì chung".
Chính cái cách dạy và học phương pháp mà sinh viên tiếp nhận được phương pháp tư duy khoa học để sau này vận dụng trong thực tế.
Cái đặc biệt tạo nên thế mạnh của sinh viên Cơ Điện là quan hệ cộng đồng và khả năng làm việc tập thể . Vì vậy sinh viên Cơ Điện lúc vào cuộc sống dễ hòa đồng, kết quả công tác tốt hơn và được tin cậy giao phó trọng trách quản lý. Đặc điểm này rất quan trọng tạo nên cái văn khí riêng, có thể Kỹ sư Cơ Điện về mặt kiến thức không hơn các trường khác nhưng Cơ hội và Thế năng vận dụng trong thực tiễn lại nhiều hơn.
Truyền thống gắn kết cộng đồng của thầy trò Cơ Điện còn là tiền đề tốt cho phát triển Hội Cơ điện ngày hôm nay: "Tình Cơ điện ở đâu cũng như lửa cháy".
Để duy trì truyền thống đó, trước hết là cần có đủ phòng ký túc xá cho sinh viên sống tập thể, Ban quản lỹ Kỹ túc xá cũng như Đoàn trường cần tăng cường sinh hoạt cộng đồng trong sinh viên...
Kết luận:
Hội tụ sinh viên từ đất học các vùng miền về đất học Tích Lương đã tạo nên "Văn khí Tích Lương".
Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp đặt đúng vào “đất học” nên sinh ra lớp Kỹ sư nắm vững phương pháp tư duy khoa học, có khả năng làm việc theo nhóm, giàu thế năng hành động, giàu tinh thần cộng đồng nên dễ thành công trong cuộc sống.
THÁP BÚT CƠ ĐIỆN
Tháp bút luôn là biểu tượng của khát vọng vươn tới sự "Tôn tài đại thịnh", khẳng định câu nói của tiền nhân: "Phí trí bất hưng".
Tháp bút trước đền Ngọc Sơn Hà Nội là biểu tượng Văn khí Thăng Long; Tháp bút Cơ điện là biểu tượng Văn khí Tích Lương, tiêu biểu cho nhiệm vụ trung tâm của nhà trường là đào tạo lực lượng lao động trí thức cho đất nước.
Tháp bút Cơ Điện là một công trình văn hóa của sinh viên hướng về trường với ý tưởng tốt đẹp là nơi bảo tồn truyền thống bản sắc văn hóa Cơ Điện: Văn khí Tích Lương. Nhà trường có thể sử dụng nơi đây để sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt cộng đồng và khuyến học.
Anh Trần Thanh Tuân là một thành viên tích cực trong Nhóm sinh viên đã tạo dựng Tháp bút rất tâm đắc với ẩn dụ của công trình "Phi Trí Bất Hưng" nhưng chỉ mới thực hiện được một nửa (phần Cơ). Để hoàn thiện công trình cần thêm phần Điện bên cạnh phần Cơ như sau:
- Trên đỉnh tháp lắp thêm đèn nháy chữ PHI TRÍ BẤT HƯNG của Tiến sĩ Lê Quý Đôn.
- Hai bên tháp bút thêm Câu đối :
TÍCH LƯƠNG VĂN KHÍ THIÊN NIÊN THỊNH
CƠ ĐIỆN KHOA DANH VẠN CỔ TRUYỀN
Sau đây là cảm tác của tôi khi các sinh viên dựng tháp bút.
PHI TRÍ BẤT HƯNG
Hơn nửa thế kỷ đã qua rồi
Chim Hồng vỗ cánh bay khắp nơi.
Con đò Cơ Điện đưa muôn khách
Bến cũ Tích Lương đón vạn người.
Văn khí đất này luôn gắng giữ
Đạo học chính tâm mãi sáng ngời.
Mừng đã cùng nhau xây Tháp bút
PHI TRÍ BẤT HƯNG viết giữa trời.
Hà Nội ngày 4 tháng 12 năm 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét