Cuốn giáo trình độc nhất


 LTS: Nhân Kỷ niệm 55 năm (6/12/1965 – 6/12/2020) Ngày Truyền thống Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), Nhà trường đã phát động Cuộc thi viết “Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Những ký ức đi cùng năm tháng”. Những bài viết chất chứa biết bao kỷ niệm, tình thầy trò, “Tình Người Cơ Điện” trong những ngày đầy gian khó, để từ đây đóng góp cho đất nước bao thế hệ kỹ sư cơ điện phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH. Và không chỉ có ký ức về những ngày gian khổ, bom đạn được đong đầy trong cảm xúc, mà còn cả những trang viết “có lửa”, như chưa hề nguôi ngoai về một thời oanh liệt với biết bao giảng viên, sinh viên gác bút nghiên lên đường đi chiến đấu. Trong số ấy, có những người lính không trở về. Họ đã dựng nên tượng đài “Thầy trò ra trận”…

Kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao giải cho 16 tác phẩm gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 5 giải Khuyến khích và các giải phụ. Văn nghệ Thái Nguyên trân trọng giới thiệu cùng độc giả tác phẩm đoạt giải Nhất của Cuộc thi. 


Thời gian ấy tôi ra trường đã hơn 5 năm. Những kỹ sư như chúng tôi ai cũng lăn lộn với cuộc sống bộn bề khó khăn của thời kỳ bao cấp. Có những người không còn làm nghề của mình, có người đi làm nhưng cũng chả bao giờ cần đến giáo trình và những kiến thức chuyên sâu đã học. Câu chuyện của tôi thì lại khác, lý do nào tôi lại may mắn có cuốn giáo trình này để rồi giữ nó đến tận bây giờ, như một bảo bối. Đó là cuốn giáo trình đã gắn bó với tôi hơn 35 năm, chính nó đã giúp cuộc sống của gia đình tôi thay đổi hoàn toàn. Đặc biệt cuốn sách đó đã giúp tôi phương pháp tư duy rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết đến thực tế và định hướng các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ sau này.

Những năm 1983 – 1985, các nhà máy cơ khí trong nước có phong trào tự sản xuất máy cán thép mini để tận dụng thép phế thừa sản xuất ra thép Ø6, Ø8, Ø10, thép vuông 10×10, thép lập là 10×2, 15×3… Đúng giai đoạn này, tôi đang công tác tại Phòng Kỹ thuật Nhà máy Cơ khí mỏ Bắc Thái, với nhiệm vụ trưởng nhóm thiết kế máy cán thép mini. Yêu cầu kích thước phôi thép đầu vào Ø22, sản phẩm đầu ra phải là thép tròn Ø6, thép vuông 10×10, thép lập là 20×2. Kiến thức được học trong trường về cán thép đối với tôi gần như bằng không, đây quả là một bài toán khó đối với tôi và nhóm cộng sự. Hàng loạt vấn đề kỹ thuật được đặt ra khá nan giải, chúng tôi chưa biết bắt đầu từ đâu, tìm hiểu kiến thức cán thép đó ở chỗ nào, làm thế nào mà cán ra được thép, tham khảo mẫu máy nào để tính toán thiết kế đây… Sau nhiều ngày suy nghĩ, trong đầu tôi chợt lóe lên: Hình như trường Đại học Cơ Điện thời kì đầu thành lập đã từng dạy chuyên ngành cán thép. Thế là tôi quyết định quay lại ngôi trường cũ thân yêu của mình, để tìm giáo trình liên quan đến cán thép.

Tôi trở lại trường vào tháng 7/1985. Hôm ấy trời nắng chang chang, tôi cùng kỹ sư Phùng Ngọc Cầm (là cựu sinh viên (CSV) K13MB) trong nhóm thiết kế, đạp xe 30 cây số từ nhà máy về trường. Chưa kịp ngắm quang cảnh đổi thay của trường, chúng tôi đến thẳng Thư viện đặt tại tầng 1 (nhà A2 cũ) thì gặp ngay anh Nguyễn Xuân Sáng là cán bộ phụ trách thư viện lâu năm. Anh Sáng có đặc điểm sinh viên nào cũng nhớ là luôn mang cặp kính cận dày cộp. Như nhận ra tôi, anh nở nụ cười hiền lành mừng rỡ. Chúng tôi chia sẻ với anh về công việc và những khó khăn của mình, tôi trình bày ngay với anh mong muốn tìm được sách viết về công nghệ cán thép. Lúc ấy nhìn hai chúng tôi với bộ dạng vất vả ướt đẫm mồ hôi, anh cảm động lắm. Như đồng cảm với niềm đam mê đi tìm kiến thức mới của chúng tôi, anh đã chân tình nhận lời giúp. Nhìn vào thư viện rộng lớn toàn là sách, sách được xếp lên cao ngất, để tìm được đúng cuốn sách mình cần thật là khó khăn! Trong khi tôi đang suy nghĩ miên man thì bên trong thư viện, anh Sáng bắc ghế trèo lên cao đến ba bốn tầng sách để tìm, mồ hôi vã ra nhễ nhại. Tôi cũng thấy ái ngại cho anh vì trời thì nóng, không gian thư viện nửa tối nửa sáng, ánh điện lờ mờ. Anh Sáng cận rất nặng nên lúc nào cũng đeo chiếc kính dày cộp, luôn trễ xuống dưới mắt. Trong khi tìm, anh liên tục lấy tay lau mồ hôi trên mặt và chỉnh kính, bao nhiêu quyển sách đã qua tay anh và tôi rồi mà vẫn chưa đúng sách cần tìm. Cứ như vậy thời gian trôi thật chậm, tôi bắt đầu thấy nản và cảm thấy thất vọng vì biết đâu không tìm được cuốn sách như mong muốn, chả nhẽ hy vọng cuối cùng của mình bị dập tắt hay sao.





Tác giả (bên phải) trao lại cuốn giáo trình cho đại diện Nhà trường ngày 6/12/2020


Bỗng có tiếng rơi gì đó làm tôi giật mình quay lại, nhìn thấy anh Sáng đi ra trên tay cầm chiếc kính vỡ và cuốn sách, gương mặt anh bừng lên với niềm vui khôn xiết: “Đây rồi em ạ, anh đã tìm được cuốn sách đúng như em yêu cầu!”. Lần đầu tiên tôi nhìn thẳng vào anh không đeo kính, tôi thật sự xúc động và hình ảnh của anh lúc đó còn lưu đậm mãi trong trí nhớ của tôi cho đến tận bây giờ. Anh Sáng nói: “Đây là cuốn sách chuyên môn cuối cùng về nghề này, nếu các em cần cứ cầm về nghiên cứu không phải trả lại nhà trường nữa đâu, vì chuyên ngành cán thép trường mình đã không còn đào tạo hơn 15 năm rồi”. Cầm cuốn sách ra về hai chúng tôi trào dâng niềm vui khó tả!

Cuốn sách đó viết gì mà làm tôi đam mê và quyết tâm đi tìm đến thế! Tên cuốn sách đó là: “Tính toán thiết kế lỗ hình cán thép – Phân hiệu ĐH Bách khoa tại Khu Gang thép Thái Nguyên – Xuất bản tháng 12 năm 1965”. Như vậy cuốn giáo trình này có cùng tuổi với trường Cơ Điện của tôi. Nó là cuốn sách chuyên ngành đã góp phần đào tạo hàng trăm kỹ sư cán thép cho Khu Gang thép Thái Nguyên, từ khóa 1 đến khóa 4. Đây là một thành tích quan trọng đóng góp rất lớn vào nhiệm vụ khôi phục và phát triển nền công nghiệp miền Bắc trong giai đoạn từ năm 1965 đến 1968.

Nhìn bề ngoài đó là một quyển sách cũ dày hơn 300 trang, được in rô-nê-ô trên giấy giang khổ lớn (tương đương A4) của Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ (Thái Nguyên). Phần bìa và mấy trang đầu cuối đã bị rách qua thời gian, trang 19 còn nguyên dấu đỏ “Thư viện – Phân hiệu ĐHBK – Gang thép Thái Nguyên – CN.152”. Toàn bộ nội dung kiến thức chuyên ngành được biên soạn thành 10 chương rất tỉ mỉ, chi tiết với nhiều công thức toán học kèm các hình vẽ vô cùng phức tạp và những ví dụ tính toán minh họa đã cuốn hút tôi một cách kỳ lạ. Tôi tự nhủ: phải quyết tâm đọc kỹ để làm chủ được khối kiến thức này!

Ngay từ những trang đầu rách nát còn sót lại, tôi đọc và hiểu dần được những khái niệm đầu tiên của công nghệ cán thép như: lượng ép, lượng dãn rộng, hệ số biến dạng, góc cán, lượng ép tuyệt đối, nhiệt độ nung thép, nhiệt độ thôi cán… Bắt đầu vào chương 1, tôi được làm quen với những khái niệm cơ bản về thiết kế lỗ hình cán thép như: phân loại lỗ hình, các yếu tố thiết kế lỗ hình trên trục, tính toán lực ép, phân phối hệ số biến dạng qua từng lần ép, tính độ bền trục cán, tính công suất động cơ, tính toán thiết kế lỗ hình thành phẩm của các loại thép tròn trơn, gai và thép hình… Cứ như vậy, như con ong chăm chỉ, tôi say sưa đọc cuốn sách đó đến chương cuối cùng, đọc đi đọc lại rất nhiều lần để nghiền ngẫm các khái niệm, các công thức tính toán, các hình vẽ lỗ hình và các ví dụ minh họa. Dần dần tôi cũng hiểu được những kiến thức cơ bản về chuyên ngành cán thép và quy trình sản xuất thép cán một cách cụ thể. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã nghiên cứu và nắm vững các phương pháp tính toán hệ thống lỗ hình cán thép hình như U, I, V; thép tròn trơn; thép gai; tính toán thiết kế máy cán thép 2 trục, 3 trục. Tất cả những kiến thức mà tôi đã có về cán thép đều do cuốn cẩm nang này mang lại.

Cuối cùng sau 3 tháng lao động miệt mài, tìm tòi và sáng tạo nhóm chúng tôi đã thiết kế, chế tạo thành công máy cán thép mini 3 trục cán Ø250, cán ra thép tròn Ø6, thép vuông 10×10, thép lập là 10×2 theo yêu cầu của nhà máy. Chúng tôi vô cùng sung sướng, hạnh phúc như vỡ òa xóa tan đi những tháng ngày vất vả khi nhìn những sản phẩm mới ra đời là những bó thép cán Ø6 xanh bóng, những thanh thép vuông 10×10 sắc cạnh thẳng tắp. Từ nay nhà máy chúng tôi có thêm một mặt hàng mới đó là sản phẩm thép cán từ tận thu phế liệu. Rất vinh dự năm 1986 tôi đã được đón nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều phần thưởng khác của các cấp Công ty, Tổng Công ty. Phần thưởng này là sự ghi nhận những cố gắng và tạo thêm động lực cho tôi tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa trong công việc chuyên môn của mình.

Có nhiều đêm cuốn giáo trình đã đi cả vào giấc ngủ, mùi sách cũ ngai ngái vẫn phảng phất quanh tôi. Lúc ấy sao mà tôi nhớ trường đến thế, nhớ những cuốn sách bìa màu đỏ tím, gáy khâu bằng dây đồng đã được các anh chị và các thầy cô ở phòng thư viện cặm cụi đóng sửa. Mỗi quyển sách, mỗi cuốn giáo trình mà tôi và các sinh viên từng đọc đã thấm đẫm mồ hôi tâm huyết của tác giả. Riêng cuốn giáo trình – Nhân vật chính trong câu chuyện của tôi lại không ghi ai là tác giả, ai là người chủ biên. Dù là ai thì họ đã để lại một hệ thống kiến thức về công nghệ cán thép cho thế hệ đi sau, chúng tôi vô cùng biết ơn và trân trọng!

Cái duyên đưa đến, năm 1993 tôi chuyển về công tác tại Xưởng Cán thép Nhà máy Diezen Sông Công Thái Nguyên, nơi đây thực sự là mảnh đất màu mỡ cho tôi có cơ hội để phát huy tất cả các kiến thức trong cuốn sách vào thực tế sản xuất. Lúc ấy kỹ sư Lê Hồng Quân (Cựu sinh viên K13MA) với tư cách là Quản đốc Phân xưởng, vừa là bạn thân đã tin tưởng động viên giúp đỡ tôi rất chân tình. Tôi quyết định tự mình nghiên cứu thiết kế và cải tiến lại toàn bộ hệ thống lỗ hình của 5 máy cán thép và một số thiết bị đang có. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi và các đồng nghiệp đã làm chủ về công nghệ cán thép của Xưởng cán. Cụ thể: thiết kế lò nung phôi thép liên tục, thiết kế hệ thống lỗ hình trục cán thép gai Ø19, thép tròn Ø25 từ phôi thép 90×90. Sản phẩm thép cán của nhà máy đã đạt được doanh số không nhỏ góp phần xây dựng đường dây 500KV Bắc Nam và đáp ứng các loại thép cán đặc chủng khác theo yêu cầu của thị trường.

Nếu ai đã có thời gian trong nghề cán thép, chắc sẽ đồng cảm với tôi về một khoảnh khắc đáng nhớ trong quy trình cán. Đó là khoảng thời gian “khi phôi thép ra khỏi lò nung vào máy cán, đến khi ra thép thành phẩm”. Khoảnh khắc đáng nhớ đó đã luôn thách thức, kích thích sự sáng tạo trong tôi, bởi vì trong vài phút đó nó quyết định sản phẩm thất bại hay thành công. Khoảnh khắc đó thật nghiệt ngã, nhưng kèm theo đó là niềm tự hào mỗi khi có một sản phẩm thép cán mới thành công!





Một số trang của cuốn giáo trình


Xưởng Cán thép Nhà máy Diezen Sông Công là môi trường giúp tôi được thử nghiệm sự đam mê nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến công nghệ chế tạo thiết bị cán thép, đưa tôi từ một kỹ sư cơ khí trở thành chuyên gia thiết kế và chuyển giao công nghệ cán thép cho các doanh nghiệp sản xuất thép ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Với kiến thức và kinh nghiệm thực tế, tôi đã được Viện Kỹ thuật Cơ kim khí Hà Nội tiếp nhận về làm việc vào tháng 6/1995. Đây cũng chính là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi và gia đình của mình!

Cuốn sách năm nào mà anh Sáng tặng, tôi vẫn giữ gìn cẩn thận trên giá sách, thỉnh thoảng tôi lấy ra đọc lại với tất cả tình cảm yêu quý của mình. Gia đình tôi luôn coi cuốn sách đó như “Gia bảo”, tôi vẫn thường nói với các con: “Cuốn sách này đã góp phần làm thay đổi cuộc đời của ba mẹ và gia đình ta”. Khi lớn lên, các con tôi đều hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuốn sách đã mang lại. Và một điều quan trọng nữa là tôi luôn nhớ và biết ơn anh Nguyễn Xuân Sáng. Dù thời gian đã qua lâu, hình ảnh anh tươi rói tay cầm cặp kính vỡ luôn đọng lại mãi trong tôi…

Mỗi cuốn sách, mỗi trang viết luôn mở ra cho chúng ta một chân trời mới. Sách luôn là phương tiện quan trọng để con người đến với tri thức. Thời gian trôi đi đã sàng lọc biết bao nhiêu kỷ niệm, có những kỷ niệm còn mãi với chúng ta. Câu chuyện về “Cuốn giáo trình độc nhất” này là như thế!

Tình người Cơ Điện – đã có nhiều anh chị và các bạn viết thật hay về con người, về bạn bè, về thầy cô giáo cũ. Nhưng với tôi Tình Cơ Điện là một phần tình cảm của mình dành cho cuốn giáo trình, đã cùng tôi bao nhiêu năm tháng làm công việc của một người kỹ sư. Cuốn giáo trình đó thực sự như một người thầy, một người bạn tri kỷ, hai chúng tôi vẫn thường chia sẻ cùng nhau những lúc vui buồn trong công việc. Năm nay, Nhà trường sắp tổ chức kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống. Tôi đã đem câu chuyện của riêng mình để chia sẻ tới mọi người. Có một đêm khuya lắm, tôi nghe như có tiếng người thủ thỉ với tôi: “Thưa ông, tôi muốn trở về nơi tôi từng sinh ra”. Ôi thì ra tôi đang trò chuyện với cuốn giáo trình trên giá sách! Tôi hiểu cuốn giáo trình đã đi cùng tôi qua bao năm tháng thăng trầm, chắc hẳn nó cũng nhớ bạn bè anh em cũ, nhớ nơi đã ra đi từ ngày ấy… chắc chắn nếu phải xa nhau tôi sẽ rất nhớ. Nhưng có lẽ tôi chọn thời điểm chia tay vào lúc này là có ý nghĩa, bởi “con số 55 năm” là cái duyên trùng hợp để CUỐN GIÁO TRÌNH được trở về với Thư viện của trường. Tôi tin cuốn giáo trình đã có 55 tuổi đời này sẽ truyền cảm hứng cho các bạn về TÌNH NGƯỜI CƠ ĐIỆN năm xưa và hôm nay!

Tôi nghĩ đến một ngày thu năm 2020, tôi ngập ngừng đứng dưới sân trường, thả hồn mình vào không gian đầy gió và nắng, hít thật sâu để cảm nhận những ký ức thời sinh viên ùa về trong tâm trí. Tôi chưa hình dung ra những người thầy cô mới và lớp sinh viên trẻ măng mà tôi chưa từng quen biết, liệu họ có vui đón nhận khi tôi muốn gửi trả lại cuốn giáo trình này vào Thư viện nhà trường. Tôi tưởng tượng khi trường tròn 100 tuổi, cuốn giáo trình cán thép vẫn được đặt trang trọng trên giá sách, nó minh chứng cho nước ta một thời kỳ sản xuất thép như thế và câu chuyện của riêng tôi về “CUỐN GIÁO TRÌNH ĐỘC NHẤT” vẫn như mới kể lại hôm qua. Giống như bao trường đại học danh tiếng trên thế giới, những cuốn giáo trình của Thư viện trường ta cũng sẽ có tuổi đời hàng thế kỷ như họ.

Sẽ tới một ngày tôi trở về trường cũ với tâm trạng vô cùng thanh thản, bởi vì đã gửi trọn vào đó tình yêu của mình với ngôi trường mà tôi yêu quí!


Nguyễn Trọng Bằng – Cựu sinh viên lớp K10MC

http://vannghethainguyen.vn/2020/12/08/cuon-giao-trinh-doc-nhat/?zarsrc=31&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét