CHUYỆN VỀ CÔ GIÁO DẠY "SỨC BỀN VẬT LIÊU - TRẦN MAI PHƯỚC" - Mã số: TNUT-2020-003


 CHUYỆN VỀ CÔ GIÁO DẠY "SỨC BỀN VẬT LIÊU - TRẦN MAI PHƯỚC"

(Bài dự thi cuộc thi viết "Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Những ký ức đi cùng năm tháng" - Mã số: TNUT-2020-003)

Bây giờ, tôi gọi cô là chị. Vì cô giáo đã coi tôi là em trong nhà. Hơn bốn mươi năm nay vẫn thế. Lúc vui lúc buồn, nghĩ về anh là tôi nhớ về chị. Đến thăm chị lại nhớ về anh. Tôi kính trọng anh bao nhiêu tôi kính nể chị bấy nhiêu. Chị và anh đều là thầy dậy của tôi ở Đại Học Cơ Điện

1972. Tôi nhập ngũ.

Anh đang là giảng viên Khoa Điện cũng nhập ngũ một ngày với tôi. Ngày về đơn vị chúng tôi nhẹ nhàng, náo nức hăm hở, nhưng các thầy giáo cùng nhập ngũ ngoài cái vẻ lạnh lùng chỉn chu quân lệnh là nỗi niềm trăn trở vợ con mà chúng tôi đâu có hiểu. Các thầy toàn ngót ba mươi tuổi, anh Huấn thì vừa tròn ba mươi. Nhiều thầy đang chuẩn bị thi nghiên cứu sinh. Đằng sau các thầy là vợ con, là khoa học đang độ chín và nếp nhà tranh nhỏ xíu trên vạt đồi Thái Nguyên. Nhà thì nhỏ mà sách thì nhiều. Sách nhiều bao nhiêu tiếng con khóc càng thêm nhói ruột bấy nhiêu. Thời đói kém ấy cộng cả hai vợ chồng thầy cô cân nặng chỉ chòm chèm 90 kí .

Vào bộ đội tôi ở B3 còn anh - thầy Nguyễn Văn Huấn, thầy Mạnh Hùng ở B4. Thầy Kim Long, Phi Hùng ở B1. Thầy Bính ở B2. Còn thầy Lâm ở cùng B với tôi. Kể từ ngày ấy chúng tôi gọi các thầy là anh. Anh Huấn, anh Hùng, anh Long, anh Bính, anh Lâm . Trong các anh chỉ có anh Huấn (k7 Bách khoa) là có vợ. Một hôm, trời rét, chị Phước vợ anh Huấn đèo xe đạp thằng Hiệu, lủng lẳng bánh mì xuống thăm chồng. Chiều tối B trưởng cho anh Huấn nghỉ sớm, tiểu đội đựoc phép lấy cơm về ăn tại nhà. Chúng tôi đến thăm chị và cháu. Chị bảo, bây giờ chị vào dậy k6 trong Bình Định,Tân Cương. Chúng tôi biết tối nay chị đạp xe 30 cây số đưa đứa con qua đò sông Công để mai còn lên lớp. Đang lúc lương anh 75 đồng, lương chị 64 đồng. Nay mình chị 64 đồng còn lương anh binh nhì 5 đồng. Đã lay lắt lại càng lắt lay. Chị giành mỗi tháng bóp mồm bóp miệng mẹ con để cho anh mười đồng. Anh không lấy. Chị giận. Anh mếu, chị khóc. Thằng Hiệu toe toét cười nhìn hai bố mẹ nó dùn dẩy tờ giấy bạc Bác Hồ tóc mượt.

Chúng tôi huấn luyện để đi B. Các thầy cũng thế, phía trước chúng tôi là một con đường Chiến trường đạn bom. Trong khi chúng tôi phơi phới niềm tin Lê Mã Lương, chúng tôi đâu có hiểu tâm tư các thầy. Tuyệt nhiên trong những ngày ấy tôi chưa thấy một thầy giáo nào ở ĐH Cơ Điện của tôi buồn nản. Các thầy chia cho chúng tôi vài hào, bao bọc tâm tình mỗi khi chúng tôi mắc khuyết điểm .Nhiều lần Các thầy đứng ra nhận khuyết điểm thay cho trò những kì sinh hoạt đại đội.

Trước khi đi B một tháng. Tất cả các thầy được chuyển về một tiểu đoàn riêng. Đó là Tiểu đoàn gom toàn kĩ sư và cử nhân để chuyển đi các đơn vị khác ở hậu phương. Cô Phước lại đưa đứa con xuống. Tối ấy, thầy Huấn cô Phước có bao nhiêu tiền chia cho học trò tất cả. Các thầy khác cũng thế. Mặc dù lúc ấy không ai biết đơn vị mới có nhiệm vụ gì. Chỉ biết là từ nay thầy trò xa nhau. Cuộc chia tay thầy trò trước khi chúng tôi ra trận thật nghẹn ngào. Các thầy đi rồi lũ lính sinh viên Cơ Điện buồn thiu. Kỉ niệm về đời tân binh gắn liền với các thầy của mình bao nhiêu vui buồn lùi lại đằng sau bốn năm chinh chiến

Chiến tranh kết thúc chúng tôi về lại trường. Chỉ có các thầy không về. Thầy nào cũng đã trở thành sĩ quan trong nhiều quân binh chủng. Thầy Đỗ Kim Long ở Công binh Quân khu 1. Thầy Mạnh Hùng về BTL Hải quân. Thày Lâm về cục kĩ thuật. Còn thầy Huấn về bộ Tư lệnh Lăng HCM.

Chị Phước vẫn dậy Sức bền Vật liệu ở trường. Bây giờ hai đứa con trai anh chị bé tí. Chúng nó quấn quít tụi chúng tôi như người nhà. Chị vẫn nghèo xác xơ, anh lại ở xa. Nhìn chị phấp phới đi cái xe đạp tàng sau giờ lên lớp, người như chực bay xuống ruộng. Nhớ ngày nào chị xuống Phú Bình chia cho học trò mỗi đứa vài điếu thuốc Tam Thanh, tay cắp thằng Hiệu tay chìa cho chú Luân chú Tiêu cái kẹo lạc ... Chúng tôi ra trường sống và làm việc tại Thủ đô. Phải mươi năm sau chị mới cậy cục xin được về trường Trung Cấp Xây Dựng ngoài bãi Phúc Xá để vợ chồng gần nhau. Mỗi lần gặp anh chị, tôi như được sống ở quê với gia đình mình. Anh hiền và cần mẫn, làm việc chỉn chu. Khi anh mang quân hàm thượng tá trưởng ban Kĩ thuật Lăng thì tai hoạ ập tới. Ấy là năm 1995. Anh đi xe máy trên đường sau Bách thảo. Một xe mấy chạy cùng chiều vút lên đâm vào anh khiến anh văng xuống đường vỡ đầu. Cũng từ ngày hôm ấy, anh hôn mê. Sáu tháng nằm viện 108 không tỉnh. Chị đưa anh về nhà chăm nuôi. Chúng tôi đến. Nhìn chị méo mó bên giường chồng, cái dáng nhỏ bé của chị che không đủ chỗ anh nằm. Đứa lớn đang học Đại học Mỏ, thằng bé vừa đi học Liên xô. Mình chị, nước mắt chảy gần một năm vẫn chảy, thâm cả má. Rồi thằng thứ hai bỏ học ở nước ngoài về học trong nước để chăm bố. Một năm, hai năm rồi ...năm năm anh vẫn nằm ngay đơ trên gường sống với ống xông dây dợ. Chị đi dậy về tới nhà là ngồi bên anh trò chuyện. Những gì diễn ra trong ngày chị kể lại như đang trao đổi với chồng. Cứ ngày này này qua tháng khác như thế. Chị bảo tôi, anh biết cả đấy chú ạ. Chị vẫn kể chuyện cho anh ấy nghe về chúng mày, chúng mày gọi điện đến anh ấy cũng chảy nước mắt. Nhìn cái hình hài của anh mấy năm lặng im trên giường sống thực vật tôi không tin là anh nhận biết xung quanh. Nhưng nhìn chị, chứng kiến nét mặt tràn trề niềm tin của chị thì ai cũng phải tin anh đang sống bình thường. Rồi đùng một cái chị gọi cho tôi. Chị bảo chị làm nhà mới. Chị đổi căn hộ tập thể lấy miếng đất ra ngoài đường Phan kế Bính. Chị bảo phải làm ngôi nhà thật đẹp để một ngày anh ấy tỉnh lại, anh ấy sẽ thật sung sướng bất ngờ. Nhà làm xong, thằng Nguyễn Trần Hiệu con lớn của anh chị lấy vợ rồi mà anh vẫn không tỉnh . Nhưng chị vẫn tin là anh ấy sẽ tỉnh, anh ấy đang vui .

Một tối Vũ Đình Khang K4 đang là Giám đốc Sở LĐTBXH từ Hải Phòng lên. Tôi và Khang cùng đến thăm anh chị. Anh vẫn như khúc gỗ trên giường. Khi bị tai nạn tóc anh chưa bạc mà nay đã bạc quá nhiều. Chị vuốt mớ tóc bạc của anh dịu dàng:

- Anh Huấn ơi, chú Khang chú Luân đến chơi thăm anh này. Anh ơi hai đứa nó bây giờ làm cán bộ, có nhà cửa đàng hoàng, mừng quá anh nhỉ.

Rồi chị nói như reo:

- Đấy anh biết đấy, anh chảy nước mắt kìa! Luân Khang kìa!

Tôi không nhận ra anh chảy nước mắt nhưng chị và hai đứa tôi đều ràn rụa nước mắt. Chị lại kể những kỉ niệm về những ngày khốn khó thủa anh đi bộ đội, thủa chị bồng con xuống thăm chồng. Những ngày chị cắp nách thằng HIệu qua đò Sông Công vào dạy khóa 6 trong Bình Định. Rồi chị kể những kỉ niệm của thầy trò đồng đội bên nhau. Chị kể những hôm luộc nồi sắn nhắn chú Luân Chú Khang chú Tiêu vào ăn. Chị bảo đêm vẫn nằm mơ thấy con đường chạy qua khu nhà lắp ghép của giáo viên vào ngôi nhà riêng bé tí hin của chị. Vừa xoa bóp cho anh, chị vừa lau nước mắt. Chị bảo, hiếm có ở đâu con người sống với nhau nghĩa tình như thày trò Cơ Điện em nhỉ. Chúng tôi vâng. Chị ơi vì chúng em được học ở một ngôi trường mà các thày giáo dạy chúng em là những người vôc cùng nhân hậu đó chị.

Chúng tôi ra về. Ngước nhìn căn nhà trên đường Phan kế Bính của chị mà khó tin vào niềm tin của người phụ nữ mảnh mai, một thời và mãi maĩ là thầy giáo của mình.

Mười năm, kể từ ngày hôn mê anh mới ra đi. Thế là anh không thể tỉnh lại mà ngắm nhìn ngôi nhà quà tặng của chị. Anh chẳng bao giờ nhìn thấy hai cô con dâu và những đứa cháu nội ngoan ngoãn của mình. Chẳng bao giờ được nhìn thấy chị, người vất vả một đời từ những ngày ở trường ĐH Cơ Điện cho tới lúc vừa mới tạm yên hàn. Mười năm, biết bao nhiêu câu chuyện thủ thỉ của chị bên anh. Mười năm mỗi khi chuẩn bị làm một việc gì chị cũng đều nói với anh. Rồi bảo đấy anh đồng ý rồi, làm được. Mười năm cho anh ăn, chải đầu ... giỗ tết hai bên chị cũng đều xin phép anh. Tôi cứ bàng hoàng về chị, bởi tôi là người chứng kiến.. Dù vất vả là thế, nhưng những ngày gặp mặt truyền thống ĐH Cơ Điện Bắc Thái là gặp được chị. Chị vẫn nhanh nhẹn và vui vẻ. Người đàn bà có sức chịu đựng ghê gớm. Năm 2007 kỉ niệm 35 năm ngày nhập ngũ của anh và chúng tôi. Chúng tôi đón chị lên Phú Lương. Rồi mới đây kỉ niệm 45 năm đi chiến đấu chị lại thay mặt anh Huấn đến với tiểu đoàn Sinh viên 76 f304B. Nhìn thấy chị chúng tôi vẫn thấy như anh Huấn còn sống, vẫn ở bên chúng tôi ân nghĩa bao dung. Chị lên phát biểu, mà chúng tôi thì rưng rưng nước mắt. Trước mắt chúng tôi chị khiêm nhường nhỏ bé mà tấm lòng bao la đến chừng nào.

Lại một 20/11 tới. Chị đã ngoài bảy mươi tuổi còn chúng tôi cũng ngoài sáu mươi. Chả mang hoa tặng được chị thì viết lại bài này nhớ chị, nhớ cô giáo của mình. Cô giáo dậy môn sức bền vật liệu thời đại học


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét