KỶ NIỆM KHÓ QUÊN VỀ MỘT CỰU SINH VIÊN CƠ ĐIỆN
(Bài dự thi cuộc thi viết “Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Những ký ức đi cùng năm tháng” – Mã số: TNUT-2020-010)
Đầu năm 1976, từ trường Sĩ quan Thông Tin, chúng tôi được phân về các đơn vị thông tin trong toàn quân ( khu vực phía Bắc) để thực tập, chuẩn bị cho kết thúc khóa học sĩ quan.
Tôi và Hải người Vĩnh Phú được về đoàn 530 Hải Phòng – do có thành tích trong huấn luyện và xây dựng đơn vị - đặc biệt là thành tích tổ chức cùng đồng đội mai phục bắt gọn bọn trộm cắp cắt dây trần thông tin qua sông ở một khu vực hoang vắng – điều mà đơn vị đã “nhức nhối” bao thời gian mà không bắt được thủ phạm vì chúng quá ranh ma, quỷ quyệt.
Tôi được đơn vị thưởng phép, cho nghỉ một ngày bù lại với những đêm thức trắng để mai phục. Biết thị xã Kiến An cũng ở gần, tôi báo cáo thủ trưởng cho đi Kiến An thăm bạn. Anh Trọng – chính trị viên hỏi: “ Bạn em làm gì ở Kiến An?” “Dạ, bạn em có gia đình ở Kiến An, nó cùng học lớp K5MC Đại học Cơ điện Bắc Thái, tên là Nguyễn Văn Thanh, cùng tổ, cùng lớp, cùng tuổi, chơi với nhau thân, nhà ở thị xã Kiến An, gần rạp chiếu bóng, bà mẹ Thanh là người giữ xe đạp lâu năm của rạp – nó kể với em vậy” . Nghe vậy, anh Trọng dặn dò chỉ vẽ đường đi lối lại đến thị xã, “còn lại sẽ hỏi tiếp, chúc chuyến đi vui vẻ” - chính trị viên Trọng nói.
Thị xã Kiến An dạo đấy còn nhiều nhà thấp tầng, đường đi nhỏ hẹp, phố xá tĩnh lặng. Tôi ghé vào một quán cắt tóc bên đường, buổi sáng chưa đông khách, anh thợ cắt tóc khoảng ngoài 30 tuổi vồn vã: “em bộ đội cắt tóc hả, vào đây, ngồi chờ tôi nhé, sắp xong rồi! Hôm nay được nghỉ đi chơi à?” Anh làm một tràng.
“ Vâng, em cắt tóc” Tôi đáp. Bụng cười vì nghĩ mình đã suy luận đúng. Hỏi thăm thì chỉ có thợ cắt tóc là biết nhiều chuyện. Dạo trước đã đọc truyện nhóm rắn lục, có nhân vật Ba Toác – chuyện gì cũng biết.
“ Vào ghế ngồi đi em bộ đội, đi đâu mà chỉ có một mình?” “ Dạ, em đi tìm nhà anh bạn ở thị xã Kiến An, nó cùng tổ, cùng lớp, cùng trường với em trên đại học Bắc Thái, nó kể với em nhà gần rạp chiếu bóng, có bà mẹ trong giữ xe đạp ở rạp,thị xã Kiến An có mấy rạp chiếu bóng hả anh?”
“Thị xã nhỏ mà, chỉ có một rạp thôi!”
“Thằng bạn em tên Thanh- Nguyễn Văn Thanh, nó cũng cắt tóc giỏi lắm, toàn cắt cho anh em, nó có hai răng khểnh, mỗi khi cười duyên lắm, không biết nó ra trường và công tác ở đâu? Nay được nghỉ, đơn vị cho em đi thăm gia đình bạn”
Tiếng kéo đang tí tách bỗng chậm lại và ngừng bặt. Tôi liếc nhìn trong gương, mắt anh thợ đỏ hoe, buồn bã.
“ Đúng là Thanh rồi- nó đi bộ đội khi đang học năm thứ 3 đại học và hy sinh rồi”
Đến lượt tôi choáng. Như không tin vào tai mình nữa, tôi hỏi dồn dập.
“ Anh bảo sao ạ? Thanh cũng đi bộ đội và hy sinh rồi sao? Năm 70, em nhập ngũ còn Thanh ở lại học tiếp, ai ngờ!”
“ Anh chơi với anh của Thanh, cắt cho em xong, anh đưa em đến gia đình thăm ông bà và thắp hương cho bạn, nhà Thanh cũng gần đây”
“ Vâng, cảm ơn anh”. Tôi đáp giọng ngập ngừng vì cảm động.
Thanh nó kể với em là hồi tản cư, gia đình vào Thanh Hóa, sinh ra nó, ông bà đặt tên là Thanh để kỉ niệm. Hai đứa còn hẹn, học xong có điều kiện, em sẽ đưa nó về quê tìm nơi chôn rau cắt rốn của nó, thế mà……không còn dịp nào nữa rồi Thanh ơi! Tôi nghẹn ngào xúc động.
Ông bà thân sinh Thanh thấy có anh bộ đội , lại cũng là bạn học cơ điện cùng Thanh trên Bắc Thái, nên rất xúc động, nghẹn ngào. Khi nghe tin Thanh mất, ông bà yếu đi nhiều. Hai ông bà thay nhau kể về Thanh – đứa con trai yêu quý mà cả nhà đặt nhiều niềm hi vọng đã không còn nữa. Ông đưa tôi ra ban thờ Thanh được xây cất cạnh nhà. Trên ban thờ có 3 chữ Vạn Niên Thanh và ảnh Thanh đang cười – để lộ hai răng khểnh rất duyên . Tấm ảnh chưa ép nên đã ố vàng loang lổ. Ông nhờ tôi cố gắng tìm ảnh của Thanh để thay thế. Tôi lựa lời an ủi động viên ông bà, hứa có điều kiện sẽ đến thăm ông bà và gia đình.
“Vì mới giải phóng, công việc bề bộn nên chưa tìm được hài cốt của em nó” – ông già nghẹn ngào. Tôi muốn nói những lời động viên nhưng cổ họng như tắc nghẹn. Thương bạn, thương ông bà. Chiến tranh đã cướp đi bao hi vọng, ước mơ, gây bao đau khổ, mất mát không tính được bằng những con số cho bao gia đình Việt Nam trên mảnh đất chữ S này!
Hơn 20 năm sau, khi đang công tác trên tuyến đường quốc lộ 10. Tôi lại ghé thăm gia đình Thanh hai lần nữa để thắp hương cho bạn. Ông bà thân sinh Thanh đã đi theo con trai về nơi Tiên Tổ. Cảnh vật đã thay đổi nhiều. Lại hỏi thăm mới tìm được nhà Thanh. Chỉ có người em trai của Thanh chưa xây dựng gia đình. Em xúc động khi biết tôi là bạn của Thanh – là anh bộ đội đã từng đến nhà khi ông bà đang còn sống.
“ Các anh bộ đội tình cảm quá, bao nhiêu năm rồi vẫn nhớ tới anh Thanh, em lúc ấy còn nhỏ nên cũng không nhớ rõ mặt anh Thanh, tấm ảnh mờ, cũ mất rồi”. Tôi nghe mà cảm thấy mình có lỗi vì chưa làm tròn nhiệm vụ mà ông già đã nhờ năm xưa…
Về đơn vị, hình ảnh Thanh vẫn luôn xuất hiện trong tôi. Tôi vẫn nhớ những ngày đầu tựu trường, lớp thanh niên mới lớn chúng tôi xa nhà. Gặp nhau tại khu đồi hoang sơ, những đồi guột, bạch đàn miên man…..Sau những ngày để tang Bác Hồ, chúng tôi được phân công đi vào rừng để lấy vật liệu về xây dựng nhà ở , lán trại, học đường. Vào Tân cương và những nơi rừng sâu rậm đầy muỗi vắt để khai thác cỏ tranh, nứa. Ai cũng hăng say háo hức vì đã được nhập học qua thi tuyển tại trường, những buổi cùng nhau mua sắn về luộc, lên Thịnh Đán mua bánh rán chống đói. Tôi luôn cùng Thanh đồng hành trên chiếc xe đạp mượn được của anh Dưỡng đồng hương. Đã nhiều năm nay, một số anh chị em K5MC sống và công tác ở Hà Nội liên lạc , gặp gỡ nhau thường xuyên như Vũ Thị Bảo Hà, Bẩy, Chi, Cương, chị Bích, chị Thanh, chị Vĩnh, Đỗ Đức, Loan, Triển, Minh Châu, Toàn.
Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường chúng tôi tổ chức gặp mặt tại Hồ Tây lộng gió, có thầy Cảnh – giáo viên chủ nhiệm năm 1972 tới dự họp mặt và các bạn khác chuyện trò vui vẻ, đầm ấm như thời xưa còn trẻ.
Hội bạn K5MC có nhắc đến những kỷ niệm xa xưa, từ khi tựu trường đến nay – những bạn đã hy sinh như Thanh ( Kiến An) và mất như Tuân ( vịt), Thắng ( lâm bưu). Không ai có ảnh Thanh, tôi lại buồn vì nhớ bạn – chưa làm tròn lời hứa với gia đình Thanh năm nào.
Ngày khánh thành đài kỷ niệm thầy trò ra trận, chúng tôi, những người lính được ôn lại những kỷ niệm hào hùng, gian khó một thời của thầy trò cơ điện năm xưa.
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, tôi lại nhớ tới Nguyễn Văn Thanh. …..Thanh ơi! Mày linh thiêng hãy về đây dự lễ với thầy cô và các bạn trường ta. Trường ta đã thay đổi quá nhiều so với thời tao và mày nhập học – những ngôi nhà cao tầng, bề thế, nguy nga, những giảng đường hiện đại. Tháp bút cao vút vươn mình ngự trị trên mảnh đất đầy guột, bạch đàn hoang sơ năm xưa. Với sự đi lên của đất nước, trường ta đã luôn trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Đã có các chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ và 16 ngành đào tạo đại học uy tín chất lượng. Mày có thấy tự hào không Thanh? Những anh em đồng đội vẫn nhớ mày, tri ân mày cùng bao anh em liệt sĩ khác đã làm vẻ vang cho trường ta. Hãy yên lòng siêu linh cõi vĩnh hằng. Mày và bao đồng đội là những người sinh ra trong chiến tranh – lớn lên trong chiến tranh – và hy sinh mất mát trong chiến tranh. Ngàn lần tri ân các anh hùng, liệt sỹ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét