KHÔNG THỂ NÀO QUÊN– Mã số: TNUT-2020-007


 KHÔNG THỂ NÀO QUÊN


(Bài dự thi cuộc thi viết “Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Những ký ức đi cùng năm tháng” – Mã số: TNUT-2020-007)

Nhớ lại ngày hành quân vượt Trường Sơn, là tôi nhớ anh em trong cùng tiểu đội. Đó là Chinh, Thể, Long, Ích, Tỉnh, Bình, Cảnh, Kính, Thiệu, Khang, Châu. Nhưng chỉ có hai thằng tôi và Lương Xuân Cảnh là sinh viên Cơ Điện. Cùng một trường đại học với nhau vào bộ đội cứ như người cùng quê, đùm bọc nhau hệt như anh em. Tôi biết ở các B khác cũng thế, lính đại học Cơ Điện thương yêu nhau lắm. Chuyện hành quân trên Trường Sơn thì kể mãi cả đời chả hết. May mắn sau này sống sót trở về học tập cứ mỗi lần đi ra quán uống nước mấy thằng lính lại kể lể với nhau, chứ còn trong lớp chúng tôi chả kể chuyện gian nan ác liệt bao giờ. Khi đi trên Trường Sơn tôi là tổ trưởng tổ ba người phụ trách hai thằng ngang nhất của tiểu đội. Thằng Tỉnh quê Nam Hà, trước khi đi bộ đội nó ở đoàn địa chất 37. Tỉnh bị quáng gà nên gọi nó là "Tỉnh quáng gà". Thằng này chắc khi còn ở nhà được bố mẹ chiều nên nhiều lúc hay xoay vòi. Nhớ thằng này hôm xuống phà ở Quảng Bình phà vừa cập bến vào lúc nhập nhoạng tối, nó quay lại vạch quần đái xuống sông. Tôi nghe thằng nào đó kêu. Mẹ thằng nào đái hết vào ông rồi. Lúc đó Tỉnh vội lẩn vào đoàn quân. Hắn kêu, chết chết. Đếch nhìn thấy gì. Còn thằng Thiệu quê Vĩnh Phú rất khỏe nhưng hơi ngang, lại khôn vặt. Hành quân đường dài tổ ba người phải mang ba thứ ngoài quân tư trang cá nhân. Tôi tổ trưởng phải mang AK quãng 5-6 cân. Còn hòm đạn quãng 7-8 cân và ống thịt kho quãng 2 cân. Thiệu xung phong mang ống thịt kho. Còn hòm đạn tất nhiên là phần Tỉnh. Thấy mặt Tỉnh xị ra. Tôi giao hẹn, hai thằng thỉnh thoảng đổi cho nhau nhé. Đi mãi chả thấy Thiệu nói gì. Tỉnh hậm hực lắm rồi. Tôi bảo, Thiệu đổi cho nó tí đi. Thiệu lạnh tanh. Anh chàng Tỉnh không nhịn được nữa đặt hòm đạn xuống đất rồi tháo ba lô quẳng đánh phịch, ngồi bệt xuống đất. Không đi nữa! Đoàn quân vẫn lặc lè dịch chuyển như đàn lạc đà, chỉ cần dừng lại một tí là không đuổi kịp. Không còn thời gian mà giải thích và cũng không biết sử dụng cái quyền tổ trưởng ba người thế nào. Tôi quay lại bảo Tỉnh, đưa ba lô đây đứng dậy đi đi. Lúc ấy sao tôi còn khỏe thế. Hai tay cầm ba lô của Tỉnh quật lên vai chồng trên ba lô của tôi bước đi. Tôi mới bước được ba bước thì thấy Thiệu quay lại bê hòm đạn và bảo Tỉnh, mày lên đỡ cho cho thằng Tiến. Từ đấy hai thằng cứ lặng lẽ đi chả thấy xoạnh xọe gì. Sức khỏe của chúng tôi ngày càng giảm, trong đoàn đã có người bị sốt, có người đã phải cáng. Hành quân đường dài, ai cũng mang nặng, chỉ cần tiểu đội có một người bị sốt là cả tiểu đội bấn loạn. Trong tiểu đội, tôi là người bị sốt đầu tiên. Trước khi đoàn chúng tôi đến trạm 78 tôi đã bị sốt 5-6 ngày. Mặc dù chúng tôi luôn bảo nhau không để muỗi đốt, mà hình như cho đến lúc bị sốt rét tôi vẫn chưa bị muỗi đốt. Tôi còn nhớ trên đường hành quân thằng Cảnh K5IB luôn lo lắng. Nó hỏi tôi, mày thấy môi tao đã thâm chưa? Bây giờ nhớ lại vẫn thấy buồn cười. Đi chiến đấu sống chết chẳng lo cứ lo môi thâm. Tuy bị sốt, tôi vẫn cố bám theo theo đơn vị. Lúc đầu còn mang được một ít đồ, rồi đến lúc được đơn vị cho ưu tiên đi đầu đội hình, đến lúc tiểu đội phải cử người đi kèm. Tôi vẫn cố gắng lết theo đoàn quân vì không muốn rớt lại phía sau. Hành quân đường dài có điều lạ là đầu đoàn đi đủng đỉnh, nhưng cuối đoàn lúc nào cũng phải chạy gằn. Dốc cao suối đá, càng đi càng suy sụp vậy mà cứ leo dốc là thằng Luân K5ME lên trước nó đứng trên đỉnh dốc hát váng lên bài Trường sơn ơi nơi mà ta qua chưa một dấu chân người. Tôi nhìn nó mà quên mệt cố leo dốc. Mấy thằng Cơ Điện dìu nhau lên đỉnh dốc. Thằng Cảnh K5IB bảo thằng Luân, hát gì mà rung cả rừng lên thế. Thằng Luân bảo hát cho chúng mày quên mệt mà đi. Nhớ là cứ đến bãi khách tôi ngồi dựa vào gốc cây, một thằng tìm chỗ mắc võng cho tôi, một thằng đi nhóm lửa đun lại cháo cho tôi ăn. Chúng nó sợ cả buổi hành quân tôi đuối sức. Có mấy bữa liền, chúng nó đưa cho tôi bát cháo có miếng thịt gà. Tôi hỏi đứa nào lại đổi đấy, không thấy thằng nào nói gì, vì tôi biết đến giai đoạn này là các thứ quân trang đã mang được vào đây đều là những thứ không thể thiếu được. Chúng nó mang hộ ba lô quân tư trang của tôi nhưng chả ai lại lấy đồ của tôi mà đổi. Nhìn những gương mặt bạn bè cùng trường đã bạc phếch, mắt trắng dã ra. Tôi biết chúng nó mang áo của mình để đổi gà nấu cháo cho tôi ăn. Nghĩ lại vẫn thấy cay cay trong mũi, nước mắt lại trào ra. Đến ngày thứ 5 tôi yếu lắm rồi, tiểu đội phải cử hai người khỏe nhất chuẩn bị cáng tôi. Thế là ba lô của ba thằng phải san ra trong tiểu đội. Sáng dậy tôi bảo, chúng mày cứ để cho tao cố đi. Bao giờ không đi được nữa thì cáng. Thế là tôi lại cố đi được một ngày nữa. Hôm ấy đến trạm 78 trời đã tối. Tôi sốt ly bì, không đi được, không ngồi được, không nói được nữa phải vào viện. Ở trạm 78 có bệnh viện của binh trạm, đường đến viện cũng xa, trời lại tối anh em trong tiểu đội làm cái cáng nhưng trời tối lẵng nhẵng không đi được. Cuối cùng chọn cách cõng. Tôi còn nhớ thằng Cảnh K5IB tiểu đội tôi gầy lẻo khẻo thế mà nó tha tôi mấy tiếng trong rừng. Khi đến viện, anh em để tôi nằm ở một gộc cây, rồi vào liên hệ với viện. Khi đó tôi còn nghe thấy có anh quân y nói: - Các anh để anh em sốt nặng thế này, chúng tôi không chữa được, các anh chỉ cốt giao đủ quân số thôi. Mấy anh ở đơn vị tôi nói: - Các đồng chí thông cảm, chúng tôi chỉ là lính, rồi không để mấy anh quân y nói gì họ ra chỗ tôi nằm bảo: - Mày ở lại điều trị rồi đi sau, bọn tao đi đây. Tôi không nói được chỉ nhìn theo nước mắt cứ trào ra. Sau đó tôi không biết gì nữa. Tôi hôn mê. Mấy hôm sau tỉnh lại tôi mới biết vào viện còn có Triệu Bình K6Ma. Bùi Thái Hà K5IB. Anh Đoàn K6Ma. Những ngày đã qua nguy kịch mấy anh em nhìn nhau buồn rười rượi chỉ mong nhanh khỏi để đuổi theo đơn vị. Các anh ở quân y viện bảo tôi bị sốt ác tính. Tôi nằm ở lán cấp cứu không biết mấy ngày đến khi tự ăn được cháo thì chuyển xuống lán ở cấp thấp hơn. Ở lán này anh em quân y chỉ mang cháo, nước đậu nành hoặc phở đến đặt lên cái bàn ở đầu lán. Chúng tôi phải tự ra lấy ăn. Đây là một cách rèn lính ta vượt lên chính mình. Khi đã đến cái bàn để thức ăn thì lại một sự cố gắng nữa, đó là phải cố mà ăn. Không ăn thì chết. Cho miếng đầu tiên vào miệng là lập tức nôn thốc nôn tháo, bụng quặn lại, đầu đau như búa bổ. Nếu như có việc gì phải quay sang bên cạnh thì phải từ từ quay cả người, nếu không óc như va vào thành sọ buốt nhói. Nếu bị nôn phải cố gắng bò ra gốc cây rừng mà nôn. Sau khi lau nước mắt nước mũi, có quyết tâm quay vào bàn ăn nữa hay không cũng phải phấn đấu. Nhớ khi đó tôi thường tự nhủ "phải cố nuốt ít cháo, để sống, mình không thể chết ở đây được". Chuỗi ngày ở chiến trường là chuỗi ngày lúc nào cũng phải phấn đấu phải vươn lên không dám dừng lại kể cả trong tâm trí. Chỉ cần dừng lại không vượt qua được mình là chết. Cứ như thế dần sức khỏe tôi hồi phục có thể tự ra chỗ ăn được và tự đi đến bàn để tiêm. Rồi lại được chuyển sang lán khác. Ở lán này là tự đi ăn và đi tiêm. Nhớ cảnh bộ đội xếp hàng, tụt quần sẵn, đi đến một cái ghế nằm úp xuống, lúc đó người y tá kẹp kim vào khe ngón tay, vỗ đánh đét một cái kim đã cắm vào da, rồi tra sơ ranh bơm thuốc kí nin. Cứ như thế lần lượt từng người, như bây giờ thú y tiêm phòng dịch cho gia súc gia cầm chẳng thấy vệ sinh sát trùng, thay kim gì cả. Thế mà chúng tôi vẫn sống. Tôi nằm ở quân y viện trạm 78 đến gần một tháng. Những ngày cuối tôi ăn rất khỏe. Trạm này gần ngã ba Đông Dương có điều kiện mua hàng nên họ cho ăn ba bữa. Bữa sáng ăn xôi nếp Lào với ruốc thịt bò tẩm gia vị cay cay thơm thơm không biết của nước nào sản xuất. Chúng tôi ăn bữa sáng nhiều, để bữa trưa ăn ít vì bữa trưa không ngon. Chúng tôi chỉ thèm rau. Rừng ở quanh khu bệnh viện này chẳng còn loại rau gì, muốn có thì phải đi rất xa. Những người bắt đầu khỏe được viện vận động vào rừng hái măng tìm rau. Một bữa tôi đang ngồi võng thì thấy hai thằng Bùi Thái Hà K5IB và Triệu Bình K6MA đi vào, mặt hớn hở tay cầm chiếc ca xanh của lính. Thằng Hà miệng cười rất tươi gọi tôi: - Tiến ơi, rau đây rồi! Chúng đưa cho tôi một ca canh rau dệu. Tôi ăn mà như thấy nó tê ở nơi hàm răng rồi đi vội vào trong ruột. Khó tả quá cái cảm giác lúc ấy. Đến bây giờ tôi chưa từng gặp một bát canh rau nào ngon như thế. Nhưng cái mà khó tả không phải là bát canh rau mà là khuôn mặt hai thằng bạn học đứng nhìn tôi ăn. Chúng nó cười tươi như những ngày chúng tôi còn ở trường trên Bắc Thái. Sau ít ngày thì Hà K5IB và anh Đoàn K6A ra viện trước, tôi và Triệu Bình ra viện cùng một ngày. Tôi nhìn Hà và anh Đoàn đeo ba lô đi ra đường giao liên mà rơm rớm nước mắt. Hôm tôi ra viện, có khoảng hơn chục người do anh Ngạn là trung úy người Thanh Hóa làm trưởng đoàn. Đi một ngày nữa thì thấy mấy anh ở trạm nói: Các đồng chí cố mang được thêm chút gạo nào thì mang vì trạm sau là sang đường dây giải phóng, tiêu chuẩn chỉ có một lạng gạo một ngày. Biết là vậy nhưng tôi cũng chỉ cố lấy một nửa tượng gạo sợ sức yếu không tha nổi. Chúng tôi đi quãng ba ngày nữa về phía Đông dưới rừng khộp nắng ong ong. Người mới ốm dậy nên anh nào cũng mệt, cũng nhếch nhác. Nhiều lúc như không thở được, chỉ muốn khóc. Giá mà khóc được thì nhẹ người. Nhưng cứ nghẹn lại… Cuối cùng chúng tôi cũng đến được trạm khách B3 gọi là "điểm 5". Hôm sau cán bộ quân lực Mặt trận tiếp nhận sáu anh em bọn tôi về làm vệ binh của mặt trận B3 ,lính Cơ Điện có tôi và Triệu Bình. Thế là chúng tôi không kịp về đoàn 3002 nữa . Quân đi lườm lượp chả biết có còn gặp lại mấy thằng cùng nhau vượt Trường Sơn nữa không ! chả biết có còn ngày được trở về trường đại học Cơ Điện thân yêu nữa hay không? Tôi về Vệ binh của bộ tư lệnh mặt trận nên biết đơn vị cũ của mình được bổ sung vào sư đoàn 320 dưới Gia Lai. Từ ấy cứ mỗi chiến dịch laị hỏi các thủ trưởng về tình hình chiến đấu ở dưới sư đoàn 320 có ác liệt không? Tôi cứ nhớ thằng Tiêu K4 thằng Ngô Thịnh K6, thằng Cảnh K5 IB, thằng Luân đen liệu có thằng nào chết không? Đã qua 3 năm ở chiến trường Tây Nguyên không biết chúng nó thế nào nhỉ! Sau giải phóng, quãng đầu tháng 5-1975, tôi biết Sư đoàn 320 đóng ở Đồng Dù Củ Chi. Từ Tân Sơn Nhất tôi vẫy xe lam xuống tìm bạn bè. Hôm ấy tôi chỉ kịp tìm thấy Cảnh, Bình, Tỉnh. Cũng hôm ấy tôi biết thằng Lương Lợi k5MA, thằng Vượng k4, thằng Văn Đình Hà k5IB đã hi sinh. Chúng tôi ôm nhau nửa khóc nửa cười sau gần một ngàn ngày xa cách, đầm mình trong bom trong đạn.

Ba mươi năm sau. Vào dịp hè năm 2005. Lương Xuân Cảnh quê Hà Tĩnh, Bùi Thái Hà quê Thái Bình và tôi lại gặp nhau ở bãi biển Cửa Lò. Hôm ấy cả ba gia đình quây quần bên nhau chúng tôi lại ôn lại kỉ niệm những ngày hành quân trên Trường Sơn gian khổ mà chứa chan tình thương đồng đội, tình bạn học Cơ Điện. Với tôi những ngày gian khổ trên Trường Sơn, những ngày có đồng đội đùm bọc luôn hiện hữu làm thành tài sản cuộc đời không bao giờ quên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét