NGƯỜI CƠ ĐIỆN
(Bài dự thi cuộc thi viết “Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Những ký ức đi cùng năm tháng” – Mã số: TNUT-2020-008)
Đã 55 năm hình thành và phát triển, từ phân hiệu Cơ điện Đại học Bách Khoa, Đại học Cơ Điện, Đại học Công Nghiệp, rồi Đại học Kỹ thuật Công Nghiệp ngày nay, dù trải qua nhiều thời kỳ có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng dường như ai ai cũng nhớ mãi một tên, rất ngắn gọn: Người Cơ Điện.
“ Người Cơ Điện ở đâu, Tình cũng như lửa cháy” - Một Slogan nổi tiếng của những người con Cơ Điện. Ngọn lửa đó cháy lên từ trái tim những người Cơ Điện, có thể nói dù ở đâu, đi đâu, nếu bạn bảo mình là dân cơ điện thì dù không cùng lớp, cùng khóa hay cùng khoa, bạn vẫn được chào đón như người nhà, ấp áp lắm- Tình người cơ điện!
Người Cơ Điện thật tình nghĩa! Họ có kỷ lục Việt Nam về Hội cựu sinh viên hoạt động lâu năm nhất, hay câu chuyện về những cựu giáo viên, sinh viên tóc bạc phơ hành hương vào Hải Lăng Quảng Trị để thắp hương và dựng tượng cho Thầy Hiệu trưởng đầu tiên của trường mình.
Người Cơ Điện có mặt ở mọi nơi, hầu hết các công trình công nghiệp trọng điểm ở các lĩnh vực: Năng lượng, Thép, Xi măng, Dầu khí…., họ không những tham gia vào hoạt động giảng dạy, đào tạo, sản xuất, mà họ còn ở các lĩnh vực tưởng chừng chẳng liên quan như: Chính trị gia, quản lý nhà nước, Nhà Báo, Nhà Văn, An ninh, Quân đội…. Ở đâu cũng thấy họ đoàn kết, hòa đồng, họ luôn biết thích nghi với hoàn cảnh, chẳng sợ khó khăn, nhạy bén và luôn sáng tạo trong công việc. Có thể nói, họ chẳng hề thua kém bất cứ một “lò đào tạo” nào trên cả nước!
Người Cơ Điện chẳng hào hoa, bóng bảy. Họ không biết làm dáng, mà dáng của họ như những cây bạch đàn trên đồi đá ong.
Người Cơ Điện không nói lời có cánh, họ thật giản dị, chân chất và cũng có phần “hai lúa”. Họ không nói nhiều và cũng chẳng biết diễn, khi xem người ta diễn, họ chỉ cười độ lượng vì họ biết hết, hiểu hết. Họ như chè Thái, nhìn mộc lắm, ban đầu thấy đượm, chát, sau lại thấy tỏa hương cốm và ngọt ngào. Họ chẳng biết tán gái, nhưng các chị em lại cứ thích sán lại, còn đi nấu cơm mời ăn, có em còn theo mãi về Trường, toàn em xinh mới lạ!
Người Cơ Điện hiền khô, song nhìn sâu trong mắt họ thấy có đốm lửa và màu của ánh thép nữa. Họ chẳng hào hoa song lại tinh tế và đầy lãng mạn! Nhiều tay học giỏi, đàn hát hay, vẽ đẹp, làm cả thơ tình và còn nấu ăn thượng thừa nữa! Chỉ cần hai cái dao cạo râu một đoạn dây điện , một cái xô, hắn có thể đạo diễn một bữa ra trò cho nửa tiểu đội…
Người Cơ Điện không bao giờ tự so sánh hay tỵ hiềm với ai, họ luôn tự hào và có quyền tự hào về Trường mình. Trên một chuyến tàu, người ta hỏi học trường nào? Họ nói: Tôi dân Cơ Điện! Mọi người hào hứng, có nhiều ánh mắt vị nể!
Còn nhiều điều để nói về họ, Họ độc đáo lắm, tại sao thể nhỉ?
Họ là những người con của nhiều dân tộc ở nước Việt Nam: Từ Tây Bắc, Việt Bắc họ xuống, từ Đông Bắc, Trung Du họ sang, từ Bình Trị Thiên khói lửa rồi Thanh - Nghệ - Tĩnh bão tố, từ Đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… họ theo những con tàu chạy bằng hơi nước, mặt đầy bụi than, qua Cầu Long Biên vượt Sông Hồng hơn 70km để về Lưu Xá Thái Nguyện tụ hội, nơi ấy có Khu Liên hợp Gang Thép, đứa con đầu lòng của ngành Công nghiệp nặng lúc bấy giờ. Điểm đầu vào của Cơ Điện thuộc tốp cao, nhiều tay trong số họ học cự phách, nhưng họ không chọn Thủ đô, họ yêu cái phóng khoáng, hào sảng của núi đồi, sông suối. Thực ra Thủ đô hồi bấy giờ cũng… nghèo và tù túng lắm!
Họ sống ở vùng được mệnh danh là Chiến khu cách mạng, được luyện qua cái “rét Thái Nguyên rét về Yên Thế” mùa đông, qua cái nóng như đốt của Trung du mùa hè, được tôi trong hơi nóng của lò cao, lò cốc; Họ được thiền với những cái bụng rỗng lép xẹp của những cơn đói dai dẳng. Có lúc, ước mơ đơn giản của họ là được một bữa no, chẳng cần cao sang, miễn là không phải sắn luộc, bo bo bung hay món mỳ luộc “nắp hầm”, kèm với canh suông, mắm tôm khô chưng hoặc cá biển đóng tảng đông lạnh xào lá sắn! Bữa ăn dùng bát chẳng bõ, chỉ cần một cái thìa!
Họ vừa học vừa chống bom Mỹ bởi Trường ở cạnh trọng điểm đánh phá ác liệt là Khu gang thép và Ga Lưu Xá, họ sơ tán, đi lấy tre nứa, cắt cỏ tranh làm nhà, đào hầm, hào trú ẩn. Họ học từ ánh sáng những ngọn đèn dầu, viết lên những mặt trái của tập tờ hóa đơn thô ráp, họ chung nhau dùng một cái thước Logarit, xoạc chân mài mực kẻ vẽ đồ án, viết bằng bút sắt, mực tàu. Họ luôn có các liên hệ thú vị giữa lý thuyết với cuộc sống thực tiễn: như xác định giới hạn mỏi để bỏ sách đi quán, tránh sự phá hủy về mỏi của môn sức bền vật liệu; hoặc vỗ đùi đen đét khi thấy sự đẹp đẽ của lý thuyết toán về hàm biến phức và phép biến đổi Laplace, cũng như lý thuyết đồ thị Topo của lý thuyết mạch điện. Nó đẹp vì nó đã biến những cái phức tạp trở thành cái đơn giản, dễ hiểu để xem xét, giải quyết, một nguyên tắc giải bài toán cuộc sống. Tuy vậy, điểm của họ đa số là trung bình, các thày nghiêm lắm…. Họ vật vã với các kỳ thi, với bài tập dài và đồ án môn học. Có những kỷ lục về “toạch” và “nhuận”. Đôi khi chẳng rõ lý do, chắc là dốt và đói, ai bảo thầy “chém”!
Trong lớp, xen kẽ áo trắng là áo bộ đội. Đó là các đàn anh khóa trên xưa bỏ bút đi cầm súng nay quay lại học cùng, các anh kể về thời kỳ hào hùng đó, các anh truyền cho các em chất lính và sự trải nghiệm, các em bù lại cho các anh sự vô tư, tươi trẻ. Có hàng chục đợt với khoảng sáu bảy trăm sinh viên tòng quân, quang cả lớp. Có cả nhiều thày giáo nữa! Lính Cơ Điện nổi tiếng đoàn kết, gan lỳ nhưng máu, mà lại lắm mẹo. Họ hay được ở các mũi nhọn như trinh sát, đột kích mở đường… Đã có khoảng hơn bốn chục anh nằm lại chiến trường, nhiều người về chẳng lành lặn, nhiều di chứng. Rồi chiến tranh biên giới, lại hàng đoàn sinh viên đi xây dựng phòng tuyến. K14,K15, chúng tôi dừng học, đưa lên tận Làng Chảo Phú Lương để tập pháo, cối 82 trong 3 tháng gọi là quân dự nhiệm. Công việc tập luyện và sẵn sàng chiến đấu 100% như bộ đội chính quy, đêm đêm hành quân dã ngoại… sẵn sàng lên biên giới.
Ngoài giờ học, họ “lang thang”, “tụ bạ” đầu tiên là các quán lá liêu xiêu bán trà ấm. Đơn giản lắm chỉ một ấm trà, một gói thuốc cuốn “con gà”, sang thì thêm vài chén mít lạc rang. Họ nói chuyện, lúc sôi nổi, lúc rì rầm mãi tới nước thứ 9 trong như mắt ma. Rồi những chuyến dã ngoại, bộ hành vào Khu gang thép, xem lò cao, luyện cốc và… tắm ké nước nóng lạnh tại buồng tắm công nhân. Hàng chục đứa như… nhộng. Trên đường về tản bộ trên những triền đồi xanh ngát chè, sắn, bụng sôi ùng ục, nghĩ cách và tìm cơ hội “đánh dậm”, cho nó đỡ biểu tình.
Văn hóa giải trí là xem ti vi ké mãi tận Xí nghiệp Luyện kim màu hay Khu hiệu bộ, cái ti vi đen trắng Ba Lan, nhòe muỗi, mành xô nghiêng dọc, vậy mà chẳng ai bỏ về, nhất là cái dịp Olimpic MOSCOW 1980. Thoảng rủng rỉnh xem phim ở rạp Gang Thép, xem mấy đoàn văn công chính trị phía Nam biểu diễn như: Hoa Sen, Hải Đăng…. Với những Cẩm Vân, Thế Hiển…Sách báo hiếm lắm, vớ được cuốn tiểu thuyết tranh nhau đọc, nhàu nát bươm cả ra! Họ biết cả V.Huygô, A. Dumas, O.Bandac… và đương nhiên là N. Ostrosky với “Paven”…
Đêm xuống, trên những triền đồi gió lộng, ánh trăng vàng, từng nhóm tụ nhau đàn hát, nửa đêm nghe tiếng xình xịch tu tu của những đoàn tàu qua Ga Lưu Xá, nhớ quê lắm! Mấy đứa bắt đầu kể chuyện quê tao, “chuyện ăn quê tao”, nó tả tới mức mọi đứa đều trùm chăn nuốt nước bọt. Thằng dã man! Họ dạy nhau kỹ năng trốn vé, nhảy tàu, nhất là trên thành Cầu Long Biên, cách tẩy phiếu ăn, cách “cắm quán”, cách bán đồ ở Chợ Dốc Hanh… Rồi lại còn kể và tố mấy “máy chém” làm mình “toạch”, cách đối phó khi “khi lên đoạn đầu đài”…
Thời gian cứ trôi đi, cứ vậy, chúng tôi quấn lấy nhau mà sống, mà học, ngày ấy chẳng có tính toán so đo, chẳng có giàu nghèo, mọi thứ đều đơn giản. Nhiều chuyện đã thành giai thoại, giai thoại của sinh viên và giai thoại cả của các thày, các cô!
Người Cơ Điện là vậy đấy! Bình thường đấy mà khác biệt đấy, cái khác biệt được hình thành tích lũy và mài dũa để trở thành đặc sản, trở thành bản sắc đó trở thành niềm tự hào, thành chỗ dựa để Cơ Điện mãi cất cánh bởi nó đã, đang và sẽ được tô thắm, để mọi người vẫn ưỡn ngực giới thiệu : Tôi là người Cơ Điện đây!
25/8/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét