Người thầy cống hiến hết mình cho nghiên cứu khoa học


 Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/nguoi-thay-cong-hien-het-minh-cho-nghien-cuu-khoa-hoc-pdeu2vc7g.html


 

PGS.TS Phạm Thành Long - Trưởng phòng KHCN và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp

Đam mê không ngừng nghỉ

Tốt nghiệp trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) năm 2000, trở thành giảng viên và tham gia giảng dạy tại mái nhà chung khoa Cơ khí. PGS.TS Phạm Thành Long - Trưởng phòng KHCN và Hợp tác Quốc tế luôn xác định nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng và chủ yếu của giảng viên tại trường đại học.

Với niềm đam mê nghề nghiệp, kết quả nghiên cứu của thầy Long đã được minh chứng thông qua 66 bài báo và báo cáo khoa học được đăng tải trên các Tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế. Các công trình nghiên cứu của thầy đều có tính ứng dụng cao, tiêu biểu có thể kể đến công trình “Két sắt bảo mật sử dụng khóa cơ điện tử”, máy đo góc nghiêng bánh răng trụ, máy đo PCMM ứng dụng tại nhà máy cơ khí hóa chất Tuyên Quang; Khóa cổng cơ điện tử chuyển giao cho công ty cổ phần khóa Việt Tiệp; Robot STEM bánh xích một cầu và hai cầu chủ động nhằm ứng dụng trong dạy học STEM cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, được sự chỉ đạo của BGH Nhà trường, thầy đã cùng học trò của mình chế tạo ra hàng trăm thiết bị đo thân nhiệt, máy rửa tay sát khuẩn tự động, Robot điều khiển từ xa tặng cho các trường THPT và các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

PGS.TS Phạm Thành Long đạt Giải nhì sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam WIPO 2020 (Ảnh: QV)

Chia sẻ về ý tưởng mình tâm đắc nhất, thầy Long cho biết đó là công trình “Két sắt bảo mật sử dụng khóa cơ điện tử” đã đạt giải nhì sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam WIPO 2020, công trình này cũng giúp thầy được nhận bằng sáng chế và được vinh danh trong sách vàng sáng tạo Việt Nam.

Tính mới và tính sáng tạo của công trình đó là khóa có một mảnh chìa ảo không thể hiện trong cấu trúc, không quan sát được, vì vậy không thể làm giả. Bộ khóa sau khi xuất xưởng, nếu khách hàng đã đổi mã cơ thì ngay cả nhà sản xuất không có cách nào mở được, chỉ duy nhất người nắm mã số này mở được. Bên cạnh đó, khóa còn có khả năng giao tiếp được với điện thoại thông minh, có chức năng cảnh báo cho người sử dụng và cơ chế cứu hộ trọng lực.

Nhà khoa học giàu nhiệt huyết

Không chỉ nhiệt huyết với công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thầy Long còn say mê viết giáo trình và tài liệu. Thời gian qua, thầy là chủ biên xây dựng giáo trình, tài liệu, chương trình đào tạo cho ngành cơ điện tử ở các trình độ khác nhau. Cũng chính thầy là người đặt nền móng cho phương pháp số để thay thế cho kỹ thuật rất phân tán, lý thuyết học đã được chứng minh qua 4 luận án và trở thành hệ thống phương pháp người kỹ sư sử dụng.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ thầy Long cho biết: Đối với một nhà khoa học điều quan trọng nhất là phải có hoài bão, giữ được ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết và không ngừng cống hiến, sáng tạo mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Bên cạnh đó, muốn phát triển sự nghiệp nghiên cứu lâu dài cần phải xây dựng được một tập thể nghiên cứu và một nhóm nghiên cứu mạnh.

Tập trung đầu tư cho những nhóm nghiên cứu có đam mê, năng lực tốt, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để họ có thể nghiên cứu, chế tạo ra các sản phẩm có giá trị thực tiễn và có tính ứng dụng cao.

Thầy Long là người truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên)

Với những cống hiến không mệt mỏi và thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học, PGS.TS Phạm Thành Long đã được vinh danh trong sách vàng sáng tạo Việt Nam, đạt Giải nhì sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam WIPO 2020, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Chia sẻ về những dự định trong gian tới, nhằm thúc đẩy và khuyến khích nghiên cứu sáng tạo trong các trường học, PGS cũng đang ấp ủ nhiều dự định, trong đó ưu tiên phát triển thêm một chuyên ngành trong ngành Cơ điện tử để đào tạo đội ngũ nhân lực đủ khả năng giảng dạy; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, đăng ký thêm sáng chế; Duy trì mô hình đào tạo miễn phí dành cho giảng viên, sinh viên ngành cơ điện tử. Qua đó, giúp phát triển mạnh mẽ hơn nữa các nhóm nghiên cứu, tạo cú hích cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét