TÌNH NGƯỜI CƠ ĐIỆN LÚC NÀO CŨNG NHƯ LỬA CHÁY! Mã số: TNUT-2020-027


 TÌNH NGƯỜI CƠ ĐIỆN LÚC NÀO CŨNG NHƯ LỬA CHÁY!










(Bài dự thi cuộc thi viết “Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Những ký ức đi cùng năm tháng” – Mã số: TNUT-2020-027)
Tình cờ thôi, không biết đó là may hay rủi. Cái ngày lũ tân sinh viên K8 chúng tôi nhập trường là những ngày trước dịp lễ No-en năm 1972, những ngày này không chỉ chúng tôi, không chỉ toàn dân Việt Nam sẽ nhớ mãi mà ngay cả người dân Mỹ và nhiều nhiều người dân trên thế giới khác cũng sẽ không bao giờ quên. Đó là những ngày khói lửa, đau thương và oai hùng. Không lực Hoa Kỳ, pháo đài bay B52 Hoa Kỳ, sức mạnh trên không mạnh nhất thế giới đã thực hiện dải thảm lửa và chết chóc lên mảnh đất XHCN non trẻ và nghèo nàn. Thủ đô Hà nội và một số thành phố khác đã chìm trong lửa. Nhữngtiếng nổ rung trời của bom Mỹ được ném xuống từ những phi đội B52. Thành phố Thái nguyên, ga đường sắt Lưu xá, trường Đại học Cơ điện Bắc Thái ... là những mục tiêu đã bị B52 của Đế quốc Mỹ dải thảm.
Từ những ngày của nửa cuối tháng 12, tân sinh viên K8 lục tục kéo nhau lên nhập trường. Những chàng trai, cô gái trẻ trung vô tư, hôm trước còn là học sinh phổ thông bỗng chốc trở thành sinh viên khóa 8 của trường Đại học Cơ điện Bắc thái. Họ từ mọi miền Tổ quốc tụ hội về một địa điểm mà nơi ấy lúc bấy giờ chỉ có đồi sim dại và những lối mòn quanh co dẫn đến những dãy nhà lá xiêu vẹo. Đó là T. Ba Nhất, đó là xóm Cầu, xã Tích Lương huyện Đồng Hỷ, một vị trí cách nhà ga Lưu Xá chừng ba bốn km theo đường chim bay. Đó chính là kí túc xá sinh viên, đó cũng chính là Hội trường đại học, nơi mà từ đó các tân sinh viên K8 sẽ học tập, luyện rèn để sau này thành những kỹ sư, thành những công dân có ích xây dựng đất nước Việt Nam XHCN tươi đẹp như hôm nay.
Nhưng trước hết cho tôi được nhớ về cái ngày ấy, cái ngày 24 tháng 12 năm 1972. Vâng, chắc mọi sinh viên K8 không bao giờ quênđâu. Hôm ấy sau bữa ăn sáng bằng bánh bột mỳ luộc không người lái (không có nhân), chúng tôi nhận được lệnh khẩn cấp sơ tán vào khu Đầu trâu sâu trong rừng chừng dăm cây số. Tôi còn nhớ vào lúc trưa muộn, khi nhũng tân sinh viên chậm chân nhất chúng tôi chuẩn bị rời đi thì có một đoàn người đi đến. Họ giới thiệu họ là TNXP được điều động từ phía trong ra để nhận nhiệm vụ mới. Họ cũng chạc tuổi chúng tôi, trẻ trung, vui tươi và yêu đời. Họ dừng chận nghỉ tạm tại khu nhà chúng tôi sắp rời đi, họ cùng chúng tôi uống nước hỏi chuyện nhau rồi tích vào những chiếc bi đông số nước còn lại trong cái thùng nước công cộng của lớp mà chúng tôi sắp phải mang cái thùng không theo. Lúc ấy chúng tôi cũng không kịp nghĩ rằng chúng tôi đã may mắn hơn họ. Rời mái trường phổ thông, họ vào bộ đội, họ vào thanh niên xung phong còn chúng tôi được vào Đại học. Chỉ nhớ rằng, mấy ngày hôm sau chúng tôi được tin họ đã hy sinh, hy sinh hết thảy vào chính đêm hôm đó tại ga Lưu xá trong cuộc chiến không cân sức giữa bom tấn B52 và quốc xẻng cùng sức trẻ vạn dặm. Như vậy, có phải không! Họ đã hy sinh để chúng tôi được sống, được học hành…
Cũng đêm hôm ấy trong khu sơ tán chúng tôi đã chứng kiến một đêm B52 rải thảm vào đất Thái Nguyên. Chúng ném bom tàn phá nhà ga, tàn phá các kho tàng, bom B52 đã rơi cả vào địa phận nhà trường, đã có một giáo viên và một sinh viên người Lào hy sinh. Đêm hôm ấy chúng tôi cũng đã được chứng kiến 2 máy bay B52 bị bắn rơi trên đất Thái nguyên. Vâng trong sựsợ hãilũ sinh viên chúng tôi cũng đã rất vui vì chiến công này.
Thế đấy cuộc đời sinh viên của lũ K8 chúng tôi bắt đầu như vậy. Thời gian dần ổn định, chúng tôi lớn lên dần. Có rất nhiều sự kiện đã xảy ra từng ngày mà ngay khi đó chúng tôi chỉ cho là chuyện thường nhật nhưng về sau mới ngộ ra đấy là những kỷ niệm sâu sắc, nó là tình, là nghĩa của người Cơ điện.
Tôi nhớ ngày lên trường, mẹ tôi đưa tôi đi. Hai mẹ con rời thành phố Nam Định từ sáng sớm, lên đến Hà Nội đã xế chiều, tìm được bến xe sơ tán đi Thái Nguyên trời cũng gần tối. Lo lắng hiện lên nét mặt của mẹ tôi. May quá trong dòng người xếp hàng chuyến xe cuối ngày Hà Nội – Thái Nguyên, mẹ tôi đã tìm được 2 người có cùng điểm đến là trường Đại học Cơ điện Bắc Thái. Đó là một cậu tân sinh viên tên Bắc người Hải Phòng và một Thầy giáo tên Long, sau này lũ sinh viên chúng tôi vẫn gọi vui là thầy Long phệ thiết bị… Khi biết nỗi lo của mẹ tôi, thầy vui vẻ động viên. “Bác cứ về đi, tôi sẽ dìu cả 2 cậu này lên trường”. Đêm ấy cả 2 chúng tôi đã được thầy cho về ngủ tại phòng của thầy. Tôi vẫn nhớ một căn phòng trống trải trong dãy nhà lá nằm trên sườn đồi mà sau này tôi biết được đó là khu giáo viên ngay kề dãy nhà hiệu bộ. Thế đấy mọi người thấy không cái lửa Cơ điện đã có từ lâu rồi.
K8MA là cái lớp tôi được biên chế. Ngày ấy học sơ tán nên mỗi lớp thường cách nhau ít nhất là một quả đồi, cả lớp học và cả chỗ ở nữa. Mỗi lớp có bếp ăn riêng do các chị nuôi chăm sóc. Ngày ấy ai cũng đói, ở đâu cũng đói vì thế sự chăm sóc của các chị nuôi là vô cùng quý giá. Các chị thương chúng tôi và chúng tôi kính trọng các chị. Sau này về học tập trung, ăn ở nhà ăn tập trung, không còn gần gũi như trước nữa nhưng chúng tôi vẫn không quên các chị và các chị vẫn nhớ tên hầu hết chúng tôi. Tôi không bao giờ quên chị Thành, chị Chức, chị Minh Tư và nhiều chị khác nữa.... Năm nay chắc các chị đã già lắm. Mong cho các chị mãi mạnh khỏe, khỏe như lửa Cơ điện, khỏe như ngọn lửa mà các chị đã nhen nhómlên trong lòng chúng tôi ngay từ những ngày đầu nhập trường.
May mắn là sau cái sự kiện 12 ngày đêm mà cuối cùng là đêm No-en 25 tháng 12 năm 1972 ấy thì chiến tranh kết thúc. Hiệp định Pari được ký kết. Hòa bình được vãn hồi. Toàn bộ sinh viên Cơ điện được về học tập trung tại khu nhà đang xây ở gần T. Ba Nhất. Tuy vậy những khu nhà 3 tầng mới xây chưa nhiều,chưa hoàn chỉnh sinh viên nhiều lớp vẫn phải ở và học rải rác trong những khu nhà lá. Đặc biệt giáo viên vẫn phải ở trong khu nhà cấp 4 phía trong sâu. Nhưng có lẽ điều phi thườngmà khi kể ra cho cựu sinh viên các trường khác họ khó tin, họ ngạc nhiên. Đó là cái tình Cơ điện. Tình Cơ điện không chỉ trong một lớp, một khóa, một bộ môn hay trong nhóm đồng hương mà là toàn bộ. Có thể nói gần hết, không chỉ sinh viên mà cả giáo viên nữa, những người có cùng thời gian sống, học tập, giảng dạy trong trường đều biết nhau, biết nhau rất nhiều. Và cũng vì thế sau này ra trường ở địa phương nào cũng vậy, Hội Cựu Sinh viên, Giáo viên Cơ điện cũng rất sôi động, rất nhiều lứa tuổi. Cái lửa tình Cơ điện là như thế đấy…
Thời ấy, trong sinh viên chúng tôi có lưu truyền cho nhau câu cửa miệng thế này:
Năm năm là chín kỳthi
Một kỳ đồ án còn gì là xuân
Chẳng biết các bạn gái có nhận thấy cái xuân của mình nó chạy đi không, chứ lũ con trai chúng tôi chỉ thấy như mình lớn lên, khôn lên, trưởng thành lên nhiều. Chứ sao nữa, ngày mới vào trường còn ngơ ngơ ngác ngác, nhìn cái gì cũng lạ vậy mà đến năm thứ tư, thứ năm, mỗi lần về quê nghỉ lễ tết, hàng xóm, bạn bè đã gọi là ông kỹ sư, chàng kỹ sư rồi. Đứng trước những hiện tượng khoa học kỹ thuật trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày hay trong sản xuất đã dám dõng dạc giải thích cho bà con hiểu hơn... Kỹ sư chế tạo máy cơ mà... cái gì chả biét.
Bao buồn vui, bao kỷ niệm thời sinh viên rồi cũng đến ngày phải ly biệt. Kỳ nghỉ hè cuối cùng của lũ K8 chúng tôi là liên miên đi thực tập, là liên miên vùi đầu vào đống đồ án tốt nghiệp. Chúng tôi không còn lên lớp nữa và cũng không còn ăn còn ở tập trung nữa. Từng nhóm, từng nhóm theo đề tài tốt nghiệp, theo thầy hướng dẫn mà ở đâu ăn đâu. Như vậy có buồn không nhỉ??? Không, không còn hơi sức đâu mà buồn. Tất cả dồn vào đồ án tốt nghiệp. Cuộc sống tự lập đang rất gần rồi. Mà cũng may chính cái thời gian này đã giúp chúng tôi không bị bỡ ngỡ, không bị đột ngột không quá buồn khi mà cuối cái năm 1977 chúng tôi phải chia tay nhau thực sự.
K8 tốt nghiệp, K8 ra trường, K8 chia tay nhau. Vì vẫn còn ảnh hưởng của hậu quả chiến tranh nên K8 chúng tôi không có buổi lễ tốt nghiệp chung. Không có lưu niệm, không có bút ký, và cũng không có kỷ niệm chương . Ấy vậy mà một năm sau, năm năm sau, mười năm sau thậm chí đến tận khi nghỉ hưu, mỗi khi tình cờ gặp lại nhau chẳng đứa nào quên đứa nào cả. Câu đầu tiên thay cho câu hỏi thăm là: “Mày vẫn thế” và rồi từ câu nói đó lửa Cơ Điện bùng cháy, cứ thế LỬA CƠ ĐIỆN rực cháy trong lòng mỗi đứa chúng tôi.
K8 lúc bấy giờ gồm 3 lớp, 1 lớp điện 2 lớp máy. Quân số tổng thể chừng 150 người. Một trăm năm mươi con chim non đã đủ lông đủ cánh để ra ràng. Chúng tôi bay đi, bay về mọi miền đất nước. Sau chiến tranh, công cuộc kiến thiết đất nước thật bộn bề, nơi nào công nghiệp cần nơi đó có tân kỹ sư K8. Trong lúc mọi người háo hức với những ước mơ mới, với những cuộc sống mới ở những vùng đất mới thì cũng lại có gần hai chục người sẽ chảng đi đâu cả. Họ được giữ lại trường làm giáo viên. Trong số đó có tôi. Một tâm trạng khó tả bao chùm. Vừa mừng vì nhà trường đã tin vào năng lực và kết quả học tập của mình nên mới giữ lại. Nghĩa là ngày mai mình đã là thầy giáo, mình sẽ lên lớp dạy các em, mình sẽ cùng các thầy các cô giúp các em nên người có ích giống như 5 năm qua mình đã nhận được sự giúp đỡ ấy... Nhưng cũng buồn lắm. Tuổi trẻ mà, ai chẳng háo hức đón chào cái mới. Thế mà mình lại không... Cứ vẫn ở cái xã Tích Lương này. Vì ở lại trường nên mỗi khi có bạn K8 về trường lấy hồ sơ đi nhận công tác thì hầu như đều được gặp. Những cuộc gặp gỡ và chia tay như thế đều đem lại những cảm xúc bồi hồi. Lúc đó trong suy tư chỉ thấy luyến tiếc cái thời sinh viên, nhưng sau này mới biết đó chính là lửa Cơ Điện. Nó cứ âm ỉ lúc vui cũng như lúc buồn...
Ở lại trường, được biên chế vào bộ môn Hình họa Vẽ kỹ thuật.
Ở lại trường được sắp xếp ở chung phòng với thày Phi Đính bộ môn Kim loại học
Một thầy giáo vào loại cao tuổi nhất của trường và một thày giáo mới toanh trẻ nhất trường ở chung phòng. Thế đấy một sự đổi thay lớn trong cuộc đời là đây. Đang ở chung với lũ đồng niên trẻ trung vui nhộn nay lại ở cùng một người già trầm tính và cẩn thận. Mặc dù thế, quãng thời gian này cũng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm lắm. Nhiều chuyện để nói lắm, nhưng thôi xin cho tôi chỉ nói về cái LỬA CƠ ĐIÊN giữa các đồng nghiệp giáo viên chúng tôi thôi.
Vì dãy nhà giáo viên ở nằm ngay phía trước sân vận động. Vì thế chièu nào các thầy cô cũng ra sân chơi thể thao, nào bóng chuyền, bóng bàn và cả bóng đá nữa. Cái thứ thể thao không chuyên, thể thao phong trào nó vui, vui lắm. Các thầy ra sân cũng gào thét hô hoán, đôi khi quên cả mình là thày, cứ mày tao, thằng này ăn gian thằng kia ăn non. Cứ phải chơi để tao còn gỡ. Chơi đến khi hòa mới thôi.
Sau mỗi buổi chơi, thày cô nào ăn cơm nhà bếp thì dắt thìa vào túi sau lẳng lẳng đi về phía nhà ăn. Cũng có thày cô tự nấu ăn cũng lặng lẽ thui thủi vào bếp . Ngày ấy ăn là một nghĩa vụ, ăn để tồn tại, để ngày mai còn có sức để mà lên lớp... Nhưng không phải vì thế mà không có lúc vui vẻ rộn ràng đâu nhé. Tôi nhớ mãi hình ảnh thày Trình bộ môn vật lý, một tay vung vầy một quả cà chua, tay kia là mấy cọng hành lá không biết mua ngoài chợ T. Ba Nhất hay xin được ở đâu. Vừa đi vưa hát rất tươi “cho ngày nay, cho ngày mai và cho cho muôn đời sau...”
Tháng 4 năm 1979 chiến tranh biên giới Việt Trung nổ ra. Mặc dù vốn là anh em môi hở răng lạnh nhưng cuộc chiến cũng vô cùng khốc liệt. Máu đã đổ trên các nẻo đường biên giới. Tháng 5 năm 1979 hầu hết giáo viên, sinh viên các trường Đại học được huy động lên biên giới đào phòng tuyến phục vụ bộ đội. Giáo viên, sinh viên Đại học Cơ điện cũng lên đường cùng cuốc xẻng đến với vùng đất Lạng Sơn. Lại những kỷ niệm biên giới in sâu trong trí nhớ tôi. Trung đội giáo viên chúng tôi trọ trong hai ngôi nhà sàn của bà con người Tày. Những đồi hoa hồi nơi huyện Bình Gia, những xác chết quân Trung Quốc còn vương vãi trên con sông cạn khu vực cầu Khánh Khê ... Tôi chắc sẽ không bao giờ quên được.
Thời gian sống và làm việc tại trường của tôi không lâu. Tháng 6 năm 1979 theo lời kêu gọi của đất nước, tôi xung phong vào quân đội. Lại một cuộc đời mới nữa. Nhưng trong suốt gần 4 năm trong quân ngũ ấy cứ có cơ hội tôi lại tìm về với T. Ba Nhất với những người mà tôi đã gắn bó trong gần 3 năm làm giáo viên ấy và cả những đứa bạn K8 vẫn còn loanh quanh trên cái đất Thái Nguyên. Có lẽ cái lửa Cơ Điện đã kéo tôi về với Cơ điên, với Thái Nguyên chăng!
Vâng không phải lửa Cơ Điện chỉ cháy trong tôi đâu. Bẵng đi một thời gian khá lâu. Người đi công tác tỉnh này tỉnh khác, người nghỉ hưu về nhà. Rồi điều kiện kinh tế, rồi sức khỏe nên có nhiều người hầu như không gặp lại nhau nữa. Nhưng ... họ không quên nhau.
Năm 2015 Hội Cơ Điện Hà Nội tổ chức đại hội tại nhà hát lớn. Mọi người đến dự đông lắm. Không chỉ Hà Nội mà các tỉnh khác, dân Cơ Điện kéo nhau về gặp mặt. Vâng, sau nhiều nhiều năm tôi gặp lại bác Phi Đính. Bác đã già, đi phải chống gậy và có người dìu nhưng đôi mắt vẫn sáng và lanh lợi. Tôi ra chào bác, bác rất xúc động, bác đứng sững lại nhìn chằm chằm vào tôi, tươi tỉnh, vẫn nét cười như ngày nào, bác nói “A thằng Quang. Mày vẫn trẻ như ngày nào...” Tôi vui lắm cảm động lắm tình thầy trò, tình đồng nghiệp vẫn sâu đậm như ngày nào... ba bốn mươi năm rồi còn gì, trẻ sao được nữa. Có chăng cái LỬA CƠ ĐIỆN trong bác, trong tôi và trong mọi người thì vẫn như ngày nào...
Hàng năm, những người Cơ điện ở mọi miền vẫn gặp nhau. Hàng năm những người Cơ điện chúng tôi vẫn về thăm trường, Những hoạt động hướng về trường vẫn thường xuyên được tổ chức. Những năm gần đây những hoạt động ấy càng được đẩy mạnh và ngày càng thiết thực.
Tháp bút Cơ điện, một công trình vừa mang hình hài của người thời “Cơ Điện”. Giản dị, cương cường, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn. Đồng thời cũng là một lời nhắn nhủ qua những cây bút chỉ biết vươn thẳng đến các thế hệ sau “Công nghiệp Thái Nguyên”, hãy học tốt rèn luyện tốt cho xứng đáng với truyền thống Cơ Điện. Các bạn nhớ nhé, Ngọn lửa Cơ Điện hay Tháp bút Cơ Điện chính là chúng tôi, chính là các bạn đấy.
Đài tưởng nhớ về Thày Trò Cơ điện ra trận. Một tượng đài mang niềm tự hào dân tộc Việt Nam của người Cơ Điện. Người Cơ Điện đến Thái Nguyên không chỉ để học, nếu Tổ Quốc cần, chúng tôi sẵn sàng. Đã có rất nhiều thầy trò Cơ Điện xếp bút nghiên theo tiếng gọi của Tổ Quốc vác súng ra trận diệt quân thù. Cũng đã có nhiều Thương binh, Liệt sĩ mang danh Cơ Điện.
Lửa Cơ Điện cứ cháy mãi trong lòng người Cơ Điện. Ngọn lửa ấy không chỉ bùng cháy trong mối quan hệ thường ngày của những người đang sống. Nó còn âm ỉ mãi để luôn ghi nhớ mọi sự kiện của người Cơ Điện.
Sự kiện đúc tượng bác Đỗ Hữu Phú Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường đặt tại phòng truyền thống là một điển hình. Vừa rồi nhà trường đã tổ chức đoàn về thăm phần mộ và thắp hương cho bác... Hình ảnh bác Đỗ Hữu Phú đã gắn liền với sự ra đời và phát triển của Đại Học Cơ Điên...
Và còn nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực khác nữa như hiến cây xanh làm đẹp môi trường nhà trường, lập quỹ học bổng giúp các sinh viên nghèo vượt khó... đã và đang được tổ chức để hướng về Cơ Điện, để thắp sáng mãi ngọn lửa Cơ Điện và để hướng tới ngày kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường 22-12-2020
Ôi bao điều hay đang thúc giục chúng ta hành động. Trường Đại Học Cơ Điện Bắc Thái, Trường Đại Học Cơ Điện Thái Nguyên, Trường Đại Học Kỹ Thuật Công Nghiệp Thái Nguyên ... Những cái tên ấy không bao giờ phai nhạt trong chúng tôi, những cựu sinh viên, cựu giáo viên của nhà trường, giống như ngọn lửa tình người Cơ Điện không bao giờ tàn phai.
TÌNH NGƯỜI CƠ ĐIỆN LÚC NÀO CŨNG NHƯ LỬA CHÁY!
Hà nội tháng 10 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét