Dịch giả Võ Thị Ánh Tuyết viết về Rừng Đói.
TRÂN TRỌNG CÁM ƠN dịch giả Kĩ sư Võ Thị Ánh Tuyết và những người bạn dịch.
xin treo lại bài viết của Dịch giả Võ Ánh Tuyết về tiểu thuyết Rừng đói .
************
Tôi đọc “Rừng đói “ của tác giả Nguyễn Trọng Luân
( RỪNG ĐÓI- Nguyễn Trọng Luân NXB HNV - 2016)
Tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và những vấn đề của cuộc sống con người, biểu hiện tính chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo những chủ đề xác định. Nhân vật của tiểu thuyết là cái cốt lõi duy nhất, làm nên những cái tôi bản thể người, là cốt lõi xuyên suốt toàn bộ cơ cấu nội tại của cuốn tiểu thuyết.Vậy thì tiểu thuyết Rừng đói của anh Nguyễn Trọng Luân thì sao ?
Lần đầu tiên tôi được đọc một cuốn tiểu thuyết phi hư cấu. Có nghĩa là tác giả đã viết một tiểu thuyết không giống tiểu thuyết nhưng đọc xong rồi thì lại thấy đây là một tiểu thuyết thật sự nhẹ nhàng, không nặng nề như người ta tưởng. Xưa nay chuẩn bị đọc một tiểu thuyết đã có cảm giác tò mò bởi ta sẽ lâm vào mê trận chữ nghĩa, rối rắm tình tiết và sự phức tạp “tình hình” đến nỗi “rất tình hình” . Nhưng không. Đây là chuyện anh kể, kể không cần viết thêm, anh chỉ sắp xếp văn chương thôi. Mọi lời kể từ trong chính cuộc đời lính trận của anh và bạn bè sinh viên ra trận cùng thời, giống như người không viết ra không được. Đó còn là lời của một thế hệ tài hoa ra trận, thế hệ sinh viên từ các giảng đường đi về phía súng nổ, có người may mắn trở về như anh, còn bao đồng đội mãi mãi tuổi đôi mươi trên các vạt rừng hay dòng sông, cửa biển. Đọc Rừng Đói, ta hình dung của nả trong chiếc ba lô lép kẹp thấm máu ấy là rất nhiều, là vô giá. Anh từng nói “ Tôi viết không phải là văn cho tôi mà là lời đồng đội đã hi sinh bảo tôi viết thế “
Ngay những ngày đầu tiên của lính, các anh đã hiểu qui luật nghiệt ngã của chiến trường. Đó là rất đơn giản khi đi vào cái chết: “ Mỗi đại đội hơn trăm lính mà chỉ có một tờ giấy phê đúp trích ngang. Sinh mạng nguồn gốc một con người,chỉ đọc chưa hết 5 giây đồng hồ. Sự làm cách mạng đơn giản đến thế là cùng Chỉ vài dòng ngắn ngủi thế thôi là chúng tôi đi vào máu lửa và có thể hy sinh “ ( Tr.7 )
Chiến tranh tàn khốc là thế mà các anh bước vào nhẹ tênh
“Lính chúng tôi như thấy mình đã bước bước sang một trang sách mới. Giản đơn, ít chữ dễ hiểu và hiểu là bây giờ cúng tôi đang tiến tới đoạn có thể sắp chết, rất dễ chết “ ( Tr.11). Đến nỗi rút kinh nghiệm cũng “ “ rút kinh nghiệm khẩn trương “ ( Tr.49 ). Đó là những ngày đầu tiên dấn thân vào trận chiến vĩ đại có một không hai trong lịch sử loài người để dành lại một nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Những ngày đầu tiên xa rời vòng tay mẹ, xa mái trường đại học thân yêu. Những con chữ chân thật và bình dị đến nhường nào,nhưng chắc là không ít người cầm được nước mắt khi đọc nó.
Không có một tiếng súng, nhưng bạn đọc sẽ thấy cái ác liệt của chiến tranh đang treo ở trên đầu từng giờ từng phút . “ Anh em đánh nhau không có gạo, nên 500 chú lính sinh viên này sẽ đi sang bên kia biên giới mót sắn gửi về nhà cho các đơn vị đang tác chiến ăn mà đánh nhau “( Tr.15) Và rồi chính cái đơn vị đi đào bới cái ăn lại “ Đói mê mẩn, đói bền bỉ. Đến rừng cũng đói “.( Tr.15) . Lính trận nhưng ở tuổi hai mươi, ai cũng nhớ mẹ, nhớ bạn gái, gọi mẹ, gọi cha “Mẹ nói đúng quá, một chiều dài quốc gia, toàn những thanh niên chưa kịp lớn đã nghĩ tới hy sinh, đã biết làm quen với cái chết, cái khổ. Chết mà chưa biết đến nụ hôn con gái “ (Tr. 14)
“ Tôi nằm trên võng, nghe hai thằng nó nói chuyện với nhau mà nhớ cha mẹ mình quá. Tháng này ở ngoài Bắc cũng đang đói giáp hạt.”
Bạn đọc có thấy thương các anh ấy đến tột cùng không ? Các anh ấy là những đứa con thương yêu, là núm ruột là con trai thừa tự của các bà mẹ.. Những người phụ nữ trong cuộc đời của các anh cứ luôn hiện diện trong từng bước hành quân và là động lực, là nguồn sống để chiến đấu và sống sót trở về. Có những tình yêu trai trẻ, thanh tân “ Thằng Sỹ còn moi trong ba lô ra cho mình xem một mớ tóc con gái. Nó ngửi, nó hít mớ tóc buộc bằng sợi len đỏ rồi bảo, mỗi thứ tóc có một mùi riêng. Đó gọi là mùi đặc trưng “ ( Tr.21 )Cái tình yêu vừa mới nảy nở của những chàng trai mới lớn thật dễ thương. Nó trong sáng lãng mạn và thăng hoa trong cả lúc cái đói và cái chết cận kề .
Anh kể chuyện lính, thật mà như đùa. Vô tư cho mình mà lại ưu tư cho người khác
“ Dép đồng chí đâu? Tôi tặng cho bố tôi rồi. Bố tôi cho hẳn một đứa con trai đi theo quân đội đánh giặc còn chả tiếc, mà quân đội lại tiếc bố tôi đôi dép” ( Tr.25) .
Có phải đây là cái tôi của lính không nhỉ? Kính trọng biết bao cái tôi ấy. Cái tôi đã làm nên cái tôi của một Việt Nam nhỏ bé mà anh dũng ở thế kỷ 20. Đó là Trí, Lễ, Nhân,Nghĩa, Trung, Tín đã hình thành từ một nền văn hóa và lịch sử Việt Nam từ 2000 năm trước, dù ai đó muốn lãng quên, chôn nó đi, thì trong lòng đất, nó vẫn trầm tích và âm ỉ mãi ngàn năm.
Những mẫu chuyện của anh ngắn gọn, nhưng đều có suy lí rõ ràng, rất lính, có nghĩa là rất đơn giản và sâu sắc. Cái hay của lớp người sinh viên ra trận là những suy lí rất rõ rêt trong mỗi cách hành xử và mỗi cách xông lên trước kẻ thù.
Cái Trí của sinh viên nó thông minh, lanh lợi biết chừng nào “ cách mạng đâu chỉ cần lòng dũng cảm mà còn cần cả trí thông minh nữa… sen đầm hay sen hồ…đánh bỏ mẹ nó…”
Cái Nghĩa ở đây cũng là nghĩa đồng đội, nghĩa tử là nghĩa tận. “ Thằng Khoái sắp chết rồi, Nó bị ác tính đái ra máu mà lại đang tỉnh nữa là chết đấy…”. Những người lính ấy biết đồng đội mình sắp chết , thương quá, vừa khóc vừa đi bắn thú mang về nấu cháo để bạn có thế ăn được miếng thịt rồi hãy chết…Đau xót quá.
Cái Trung nó thể hiện rất sinh viên và hãnh tiến cách mạng :” ‘Đói cơm đói thuốc đói thư.Bao nhiêu cái đói không hư được mình “ ( Tr.121). Các anh chẳng nói những câu cách mạng sáo rỗng, những triết lý suông mà người ta vẫn thường nói. Các anh nói những câu rất ngắn và dễ hiểu và cách mạng là thế đó và trung với nước là thế đó, là giữ cho mình luôn luôn không hư hỏng để chờ đến ngày đi chiến đấu, là vượt qua cái đói để có ngày hy sinh cho tổ quốc vinh quang. Cái Trung của các anh không màng đến hư danh, quyền lợi và địa vị, tiền bạc. cái Trung ấy nó hiển nhiên, nó lạc quan đến nhường nào “ Đỉnh đèo trời hoá mông mênh/ Chùm phong lan toả hương lành trong mây/ hành quân chiến dịch qua đây Giải lao mươi phút cũng say thuốc Lào/ Thấy rừng cây đổ lao đao/ Chuỗi cười đồng đội bay vào trời xanh.(Tr. 122 )
Cái chân lý cuộc sống của các anh thật đơn giản mà cao cả, thât dung dị mà siêu phàm. “ Đêm ấy là đêm cuối cùng chúng tôi ngủ trên đất bạn và hình dung ra vùng đất mà mình sẽ đến và nổ súng. Bao giờ cũng thế, chúng tôi lại nhớ đến Mẹ. Đứa nào cũng mong khi nào có địa chỉ sẽ viết thư cho Mẹ, cho người yêu. Chắc chắn sẽ chẳng đứa nào kể về chuyện đói, kể về những tháng ngày đã qua, những người lính sinh viên trong khu rừng này. “. Chẳng bao giờ muốn cho những người phụ nữ của mình lo lắng mặc dù thương yêu đến thế, nhớ nhung đến thế. Ôi những người lính sinh viên! Các anh chẳng phải là những người hùng chân đồng da sắt, các anh là những con người, chảy dòng máu của mẹ đã cho và có trái tim thương yêu Mẹ, yêu những cô gái ở hậu phương đợi chờ. Cái chân lý thật kiên cường, đã đi là đến, đã đánh là thắng, nó soi rọi mọi thời đại mà chúng ta đang sống, nó mang tầm vóc của ngàn năm cha ông đánh giặc.
Đọc Rừng đói, cứ như là hôm nay trong cuộc pích ních về nguồn vừa đi vừa kể của Nguyễn Trọng Luân mà bạn đọc lại thấy cái ác liệt của chiến tranh trên đầu những chàng sinh viên. Cái đói của lính trận “ Cũng hiếm có một tiểu đoàn nào như tiểu đoàn chúng tôi vào đến chiến trường đi mót sắn, để rồi mang sắn khô ấy về ăn mà đi đánh nhau “ ( Tr.166) .Nếu như có bạn đọc nào đói thì hãy so sánh mình với những người lính trận này, để hiểu thực sự và tận cùng của cái đói.
Chẳng có gì hay hơn , nhân văn hơn cho thế hệ thanh niên Việt Nam bây giờ là đọc nó. Tính giáo dục sẽ cao hơn rất nhiều lần các bài giảng giáo điều trong sách vở đã soạn sẵn trong giáo án của các thầy cô. Để làm một con người, phải có Trí, Nhân, Lễ, Nghĩa, Trung, Tín. Đó là một bộ khuy áo trong một chiếc áo của con người. Dù vải vóc và kiểu áo có đẹp, có mốt đến đâu mà không có bộ khuy áo cài vào thì cũng không thể nào có dáng dấp một con người tử tế, đứng đắn, chứ chưa nói đến một người tốt. Văn của anh giản dị và đẹp như những cánh rừng mà các anh đã đi qua dù đó là rừng đói. Chất sinh viên trong sáng, thoáng đãng như mùi quả Gùi thơm và chùm Phong Lan nơi bãi khách có trung đội nữ Quảng Nam đêm qua vương lại. Văn của anh nhẹ tênh mà rưng rưng diễn tả suy nghĩ về đất mẹ. Cảm động làm sao khi chàng sinh viên tên Thọ Văn Giang nói rằng :” Nếu bây giờ trúng đạn, tao cũng sẽ cố lội qua sông sang đất Việt Nam mà chết” . Các anh nghĩ về tổ quốc đơn giản như làn khói đốt nương và mùi rừng của quê mình.
Đọc Rừng đói tôi chợt nhận ra những điều chân lí vô cùng đơn giản mà tác giả đã lí giải. Thực ra tôi nghĩ tác giả không lí giải cái gì, mà anh ấy tự kể ra những giản đơn tột cùng trước cái gian khổ hi sinh đó thôi. Người trong cuộc nói bao giờ cũng khác người ngoài cuộc nhìn vào đó mà tô vẽ mà phức tạp hóa vấn đề.
Là một Học Sinh Miền Nam học trên miền Bắc, tôi vô cùng xúc động khi anh viết về những người HSMN đang đại học lại cùng anh ra trận. Tôi không biết anh Tiến anh Pơn mà anh NTL kể nhưng tôi nghĩ những người bạn HSMN của tôi ra trận ngày ấy cũng là những học sinh ưu tú và rất nhân hậu. Nhân hậu như lời hai bạn HSMN đó nói với tác giả:
“ Tiến và Pơn nắm tay tôi mà nói giọng nghèn nghẹn:
- Có thể chả bao giờ bọn mình gặp nhau nữa. Mày sống và trở về nhé, Những người bạn Trường Sơn chỉ là số ít trong số bạn bè cả một đời. Nhưng có phải ai cũng có bạn Trường Sơn đâu mày nhỉ. Chắc sắp hết đói rồi. Đừng để cái đói nó làm tầm thường những sinh viên miền Bắc nghe mày.” ( trang154)
Điều cần nói nữa ở đây về cách xưng hô của lính trong cuốn sách này. Tôi thường thấy trong các tiểu thuyết về chiến trận những cụm từ đồng chí, anh tôi …ở đây cuộc sống ngoài đời thế nào, văn chương của anh như thế. Tôi không muốn nói là tác giả dễ dãi mà tôi thấy tác giả là con người đáng quí. Quí ở chỗ anh là người thực chứ không phải người viết văn. Quí ở những người đồng đội chân thành cao thượng với nhau không chỉ bằng lời nói.
Những trang cuối cùng là tác giả viết ra tên của những nhân vật của mình, họ còn sống hay đã hy sinh, sau chiến tranh làm gì và hiện đang ở đâu.
Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, cuốn tiểu thuyết kết thúc với những nhân vật có thật, câu chuyện thật đến 100%.
Cảm động lắm khi đọc đến những cái tên Khuất Duy Hoan, Đinh Ngọc Sỹ, Nguyễn văn Lệ, Đặng Quang Trung, Hoàng Minh Dương, Vũ Quyền … mà tôi chưa quen biết. Các anh khiêm nhường và hiền lành trong cuộc đời này nhưng nhờ có Rừng Đói mà chúng tôi biết tới một quá khứ hào hùng các anh đã trải qua.
Những cái tên như Lương Văn Lợi, Trần Văn Lịch, Nguyễn văn Huấn, Triệu Liên Hiệp… đã không về nhưng hình như tôi và bạn đọc qua trang viết của tác giả NTL lại thấy vô cùng thân thương như mình đã gặp ở đâu đây.
Cám ơn các anh, những chàng trai mười tám hai mươi ấy đã sống đúng nghĩa tuổi thanh xuân của mình mà không hổ thẹn với non sông đất nước. Cám ơn những người mẹ Việt Nam đã sinh ra, nuôi dạy và dứt ruột,trao các anh cho Tổ quốc, rồi hy sinh bảo vệ tổ quốc. Dù chẳng để được tấm bằng khen hay huân huy chương nào, nhưng chúng tôi gọi các mẹ là những người mẹ Việt Nam Anh hùng. Chúng tôi thật ngưỡng mộ những người lính tài hoa đã có những người mẹ cần lao gian khổ, hết mực thương yêu con mình nhưng đã biết hi sinh núm ruột của mình cho tổ quốc.
Cảm ơn tác giả Rừng đói. Dù anh không phải là nhà văn, anh chỉ là người lính nhưng là người lính trong thế hệ những người lính cụ Hồ, đã viết thay lời đồng đội, nói về những ngày tháng mình đã sống và chiến đấu. Tác phẩm của anh không còn nằm trong ý nghĩa ngợi ca hay phê phán thông thường cuộc chiến tranh như nhiều cuốn tiểu thuyết khác đã nêu ra. Rừng Đói là tâm tình của người trong cuộc, của những người yêu đời, yêu học hành, yêu tuổi trẻ của mình, các anh đã nói về một thời đại anh hùng mà các anh đã sống và chiến đấu, đó là thế kỷ hai mươi và Việt Nam là một điểm sáng nhất , một mốc son đỏ tươi mà các anh đã dùng máu mình để viết nên nó Chúng tôi những người bạn học cùng thời các anh và cả con cháu chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ các anh.
Đọc Rừng đói, những giá trị nhân văn của những người không cầm súng như chúng tôi và con cháu chúng tôi, giá trị nhân văn ấy đang tiềm ẩn trong mỗi con người, bỗng nhiên bật lên những chồi non xanh biếc, yêu thương và tự hào về thế hệ cha anh, tự hào rằng đã có một Việt Nam kiên cường như thế, đã có một thế hệ tinh hoa như thế ra trận không tiếc máu xương và hiểu rằng mình phải sống sao cho tốt hơn và tử tế hơn.
30/11/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét