Một vài chuyện về trường ĐH CƠ ĐIỆN của tôi
nguồn: Bác Nguyễn Trọng Luân
Tôi giành sáng nay 6/12/ 2022 viết những câu chuyện về trường ĐH Cơ Điện, về những người thày người bạn của tôi ở đấy.
1
Tôi nhập trường ĐH CƠ ĐIỆN vào đúng những ngày Bác Hồ vừa mất. Chúng tôi 5 đứa từ Yên Bái lần đầu tiên xa khỏi làng. Cứ theo chỉ dẫn trong giấy báo nhập học mà đi. Chiều 5 tháng 9 tới Đông Anh. Chập tối xuống ga Lưu Xá. Hỏi đến xã Tích Lương huyện Đồng Hỷ ( nay là phường Tích Lương) , rồi lại hỏi xóm Cầu Thông. Trong một chiều nhập nhoạng cái hình ảnh xóm Cầu Thông in vào trí nhớ tôi tới tận bây giờ. Đó là một xóm làng nhiều dặng tre và lối đi mặt đất phủ đầy lá tre. Những chòm nhà nối nhau bằng những ruộng khoai lang khoai sọ có nhiều ao cá dưới chân đồi. Tôi có nắm cơm nắm mẹ tôi nắm cho mà không dám ăn giữ khư khư trong túi. Trời sập tối, sao li ti trên chập chùng đồi bạch đàn. Cảm giác xa mẹ ngày đầu tiên và vùi vụi trên một vùng làng đồi xa lạ khiến đứa con gái sụt sịt khóc. Thằng Nhuận hơn tuổi bọn tôi nên cứng cáp hơn. Nó bảo chúng mày ngồi đây tao đi tìm chỗ nào có lửa đèn tao hỏi.
Nó đi, chúng tôi ngồi ven đường đầy những bụi mua và những bụi cây lá nham nháp như loài cây lìu dìu quê tôi. Thỉnh thoảng có chó sủa. Chó sủa hướng nào thì quay nhìn về bóng đêm hướng ấy. Hai tiếng sau có bóng đèn nhập nhoè. Hai người đi với một cây đèn bão. Thằng Nhuận đã về cùng với một người đàn ông cao lêu nghêu sách đèn bão nói giọng Nam bộ. Người ấy vác ba lô hộ cái Hoan và nói. Các em mệt không, đi luôn nhé kẻo khuya rồi.
Chúng tôi đi bộ chừng một tiếng đồng hồ hết đồi bạch đàn này sang đồi sắn khác. Con đường chúng tôi đi là đường vệt hai bánh ô tô chạy lâu ngày trên đồi đất mà thành. Chúng tôi vào một cái nhà lợp phên nứa tường trát đất có ngăn từng phòng bé tí xíu. Người đàn ông Nam bộ bảo, đây là bộ môn toán của trường. Các em cứ nghỉ lại đây mai làm giấy tờ ta sẽ tính sau. các thầy nghỉ hè chưa lên, đừng nghịch sách vở của các thầy.
Ôi thì ra chúng tôi được dẫn vào nơi các thầy dậy đại học Cơ Điên. Đêm ấy mệt, ngủ ngon quá. Ngủ ngay bên cạnh những chồng sách vở cao ngất ngưởng và cao siêu toàn là tiếng tây. Hôm sau thầy nam bộ gọi chúng tôi…dậy đi các em. Phòng bên có tiếng đàn ghi- ta. Một thầy đang hát bài hát về Bác Hồ trên tờ báo Nhân Dân. ( nhũng ngày này các bài hát về Bác Hồ in nhiều trên báo)
Chúng tôi ở nhà bộ môn toán 3 hôm rồi làm giấy tờ về các phân khu tạm thời để thi đầu vào. Thi lần đầu, 3 đứa tôi Nguyễn Trọng Luân, Nguyễn Đức Hạnh, Trần Tiến Lợi đậu vào trường còn Nhuận và Hoan không đậu. Họ cho 2 bạn ấy thi lại. Ngay sau đó chúng tôi đi lên huyện Chợ Mới Bắc Can chặt nứa cắt tranh để làm nhà ở. Gần 2 tháng sau chúng tôi về trường thì chỉ thấy cái Hoan còn thằng Nhuận thi lại không đỗ đã về quê. Bốn đứa chúng tôi thì 3 đứa vào khoa Chế tạo máy một đứa khoa Điện. Ba thằng con trai chỉ học được 1, 2 năm đều đi bộ đội vào nam chiến đấu và đều sống sót trở về. Cô bạn gái tên Hoan ra trường năm 74. Còn chúng tôi ra sau 4 năm.
Gần nửa thế kỉ sau bỗng dưng nhớ. Thầy đánh đàn ghi ta một hôm mang một cái chậu giặt tôn hoa đưa cho cái Hoan và nói, em dùng cái này mà giặt đừng giặt bằng cái chậu men kia.
Lúc ấy mới lớn chả biết gì. Cứ nghĩ thầy ưu tiên con gái có biết đâu là thầy biết nó phơi mấy miếng xô trắng ngoài gốc bạch đàn. Lại nhớ có thầy trẻ ơi là trẻ. Hỏi thầy bao nhiêu tuổi thầy bảo thầy 22 tuổi. Thầy rủ, ăn cơm bếp sinh viên đói lắm, tối về đi ăn sắn luộc quán nhà bà Bút với thầy. Rồi thầy nói khẽ. Cái thầy cao lêu nghêu người Nam bộ là tổ trưởng bộ môn đấy. Thầy ấy là bộ đội chiến đấu ra tập kết 1954.
Chúng tôi nhìn các thầy như những người hành tinh khác. Các thầy cũng khổ mà sao thầy nào cũng dễ gần. Có lúc, các thầy nói với nhau bằng tiếng Nga. Chiều đến các thày ngồi bên nhau chơi đàn và hát những bài hát Nga mê li.
Vài chục năm sau .
Tôi nhớ thầy trẻ nhất rủ chúng tôi đi ăn sắn luộc tên là Hoàng Sỹ Lâm. Thầy chơi đàn ghi ta là Giáo sư toán học Phạm Trần Nhu. Thầy nói tiếng Nam bộ đi hai tiếng trong đêm tối đón chúng tôi lỡ đường đêm ấy tên là Dương Cao Thăng. Khi tôi học năm thứ hai thì thày về làm Công đoàn tỉnh Bắc Thái. Thầy Nguyễn Trần Nhu đi nghiên cứu sinh rồi về công tác ở Viện Toán. Còn các thày khác tôi không biết các thầy giờ ở đâu có còn khoẻ không. Thưa các thầy, Chúng em vẫn nhớ các thầy. Nhớ lắm!
2
Thi Cơ Lí thuyết trước ngày đi vào lửa đạn.
Nhiều năm sau tôi cứ hình dung ra cái ngày thi môn Cơ Lí Thuyết trong gió rét. Hôm ấy vừa qua ngày tết dương lịch . Trời Thái Nguyên rét ghê gớm. Thuở ấy áo quần phong phanh lắm. Một năm phiếu vải sinh viên và thày giáo cũng như nhau đó là 5 mét vải. Còn đồ len dạ là một thứ xa vời. Thày và trò áo bông hoặc đại cán, tất cả tuân theo thời chiến cứ một màu xanh lá cây hoặc màu cỏ úa.
Ngày ấy lớp học ở đâu cũng giống nhau đó là tường trát dứng đất cao 1 mét rồi đến chấn song cửa chạy vòng quanh lớp cũng cao 1 mét rồi lại trát đất đến tận mái nhà. Tất cả các cửa đều để thoáng. Bàn thì mặt gỗi , ghế là những cây bương to ghép đôi. Lớp k5Me của tôi vào ngày hôm ấy đã báo chính xác số người lên đường nhập ngũ. Gồm : Nguyễn Trọng Luân- Trần Danh Thơm – Nguyễn Văn Luyện- Đồng Quang Đăng- Lương Hồng Thao – Nghiêm Anh Tuấn- Hà Thanh Liêm.
Tất cả số anh em này đều không vào thi môn Cơ Lí Thuyết. Trong đó Nguyễn Văn Luyện người Đông Triều chính là cán sự môn này. Tôi cũng không hiểu làm sao hôm ấy tôi cứ vào thi. Cứ nghĩ, thi có rớt cũng chả chết ai, đằng nào tuần sau mình sẽ đi chiến đấu. Thày dạy tôi môn này là thày Nguyễn Đăng Bích nhưng người hỏi thi tôi là thày Lê Lương Tài. Ngày ấy thày Tài trẻ và đẹp trai lắm. Nghe đồn rằng thày là máy chém. Bài của tôi là bài khá khó trong khi các bạn đứng ngoài bãi guột vẫy tay , đi ra thôi thi làm gì nữa , ra để đi lên Thái Nguyên chơi. Tôi cố làm bài tập còn bỏ lí thuyết. Thày Tài hỏi, anh trả lời đi. Thưa Thày em chưa kịp đến Lí thuyết. Thày xem bài toán , thày bảo kết quả cuối cùng đâu. Thưa thày còn tra bảng lượng giác nữa là xong thôi ạ. Thày bảo bài này anh làm được thế là khá lắm. Anh về đi.
Tối hôm ấy những anh em trúng tuyển đi bộ đội chúng tôi lên Thái Nguyên xem phim. Ngày 9/1/1972 chúng tôi lên đường. Cho đến phút chót Tôi và Nguyễn Danh Thơm hoãn lại đi đợt sau. Tôi trở về lớp và học tiếp nửa năm sau tôi lại lên đường đi chiến đấu. Khi tôi đi chiến đấu thì tôi cũng đã nhận tin Cán sự Cơ lí thuyết lớp tôi hi sinh ở cao điểm 105 Hải Lăng QT. Lương Hồng Thao và Nghiêm Tuấn bị thương trong 81 ngày đêm thành cổ . Phần tôi 1000 ngày chiến đấu ở Kon Tum Gia Lai rồi tiến về đến Sài gòn. Tôi trở về trường cũ cuối năm 1975 . Một ngày tôi lên lấy bảng điểm cũ ở giáo vụ. Môn Cơ Lí thuyết hôm ấy thày Lê Lương Tài cho tôi 4 điểm. Tôi chỉ làm có một bài tập thôi. Nhưng tôi nhớ thày bảo, thế này là khá lắm.
3 .
Học khoa Cơ khí có một môn rất liên quan đến nghề nghiệp sau này đó là môn KIM LOẠI HỌC. Những năm xa xưa môn học này đa phần các thày học từ Trung quốc về nên hay gọi là môn Kim Tương. Tôi nhớ thày Trần Phi Đính, Thày Lê Cao Thăng… người dạy lớp tôi môn này thày Nguyễn Phi Hùng. Thày Hùng người thị xã Lạng Sơn thì phải. Thày học k10 Bách Khoa. Đẹp trai và chơi đàn ghi ta. Hầu như thày không có nóng nảy với ai cũng không thân thiện với ai. Thầy rất nghiêm túc từng phút lên lớp. Áo quần luôn rất đẹp và phẳng phiu. Môn học này rất khô khan khó học . Mà lại phải học thuộc. Mỗi kì thi các lớp chỉ đạt 65% đến 70% thôi. Thày Nguyễn Phi Hùng nổi tiếng là khó tính. Các sinh viên nữ thích nhìn thày thôi những không muốn lên trả bài với thày. Tôi là người lên trả bài thày và hôm đó thày hỏ có đến 15 phút . Mặt thày lạnh tanh cho 3 điểm ( thế là khá rồi) . Vậy mà tình cờ tôi và thày cùng lên đường nhập ngũ. Có một đêm đi gác thao trường núi Hanh gần ga Lương sơn tôi nằm bên thày ở sườn cỏ bên cạnh toàn những cây sim cây mua. Hôm ấy cuối tháng 11 . Sương rơi trên mặt . Thày trò kể lại những ngày tháng ở trường kể lại những kì thi náo nức lo âu. Thày bảo, cuộc đời luôn là chuỗi ngày thi thố . Không thi với thiên hạ thì thi với mình. Thi với mình mới khó chú ạ.
Tôi đi chiến đấu tháng sau đó còn thầy bổ sung về Quân Khu Việt Bắc. Kết thúc chiến tranh tôi trở về bao năm nay tôi không gặp thày, người đồng đội của tôi.
4 . Tôi lên đường đi chiến đấu vào một buổi sáng mà mặt trời chưa lên. Cái bãi cỏ mà chúng tôi lên xe bây giờ đã mọc lên mấy cái nhà cao tầng có mấy cái sân téc nít của trường . Gần 50 người lên 2 cái xe hàng ngày chở than và bột mì của trường. Chúng tôi ra đi trong buổi mờ sương mùa thu năm 1972. Có một thằng má phính và trắng trẻo ngồi bên cạnh tôi. Lúc xe ra đến đường số 3 chỗ quán nước ông già nó hỏi, mày ở lớp nào? Tao ở lớp máy E. Tôi biết nó ở lớp k5IB tên là Văn Đình Hà vì lớp đó tôi có cô bạn cùng Yên Bái tên Quỳnh. THế rồi những ngày sau chúng tôi ở cùng một đại đội huấn luyện. Hà ngoan lắm, trông nó ai cũng thấy đáng yêu . Chính vì thế mà nó được lấy lên làm liên lạc cho ông đại đội phó . Đại đội phó tên là Lê Hồng Trường. Hà không hút thuốc, không đi quán xá như bọn tôi. Hà luôn được cả đại đội yêu mến nhất là tiểu đội nữ anh nuôi rất hay béo má Hà. Những lúc ấy Hà chỉ cười. Chúng tôi hành quân trên Trường Sơn nhìn những thằng liên lạc mà thương. Ba lô mình đã gần 40 kí mà vẫn phải đeo thêm đồ cho chỉ huy. Đến trạm là mắc võng cho chỉ huy trước rồi mới lo cho mình….. Hơn một trăm ngày đi vượt Trường Sơn đôi má bánh đúc của nó đã tái đi và sẹp xuống . Chỉ có cái lúm đồng tiền thì vẫn thế. Giọng Nghệ An của nó rất nhẹ không chu loét như người khác. Văn Đình Hà được kết nạp Đảng trước khi giao quân ở Kon Tum . Tôi và Hà lại về cùng tiểu đoàn chiến đấu. Tôi và Ngô Thịnh k6 , Mạnh Tiêu k4 về trinh sát còn Lương xuân Cảnh K5Ib và Vũ Xuân Tứ k5Ma về hỏa lực chuyên bắn đại liên. Văn Đình Hà về thông tin. Cán bộ tiểu đoàn ai cũng quý Hà vì nó rất giỏi nghiệp vụ. Người bị đạn sớm nhất là Hoàng Tuyến Lan K4I , người hi sinh sớm nhất cũng là Vượng K4I rồi là Lương văn Lợi k5MA. Hà là người hi sinh sau hai bạn kia. Hôm ấy đánh trận đồi Chuối tây Pờ lây Cu. Địch thắng ta thua. Lính chạy rút khỏi trận địa . Hà vẫn ngồi trong hầm với cái máy 2W . địch ném vào hầm mấy quả lựu đạn rồi bỏ di. Anh em đưa Hà về phía sau. Cuốn sổ ghi chép của Hà được các lính vào sau giữ lại và sử dụng mãi .
……….
Chúng tôi trở về trường cuối năm 1975 và đầu 1976. Hầu như chả có ai là nguyên vẹn. Ngót 50 sinh viên Đại học Cơ Điện đi bộ đội đợt ấy đều đi qua hàng chục trận đánh cho tới ngày tiến vào Sài Gòn 30/4/1975. Kí ức về mái trường chúng tôi có khác với những bạn sinh viên khác âu cũng là lẽ tự nhiên. Kí ức về trường đại học Cơ Điện của chúng tôi là những ngày nhập trường trong kháng chiến, là những ngày thày trò cùng đi chiến đấu , là những người bạn thân yêu nằm lại ở chiến trường, là sự thử thách và những bài thi khắc nghiệt nhất của sự làm người, là tháng ngày trở về học hành bên các bạn trẻ trung phơi phới , những hòa trộn đáng yêu của mái trường khoa học mà nhân nghĩa .
Hôm nay 6/12 – Ngày truyền thống mang tên Đại Hoc Cơ Điện . Tôi kính chúc các thày các cô giáo các bác cán bộ phục vụ trong nhà trường mạnh khỏe. Chúc các bạn cựu sinh viên và gia đình an lành hạnh phúc , chúc các thế hệ sinh viên ngày nay hãy vươn lên cao hơn bay xa hơn rạng danh mái trường tôi yêu tôi nhớ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét