Nghĩ về trường nhân kỉ niệm 50 năm thành lập khoa Cơ và Điện


Nghĩ về trường nhân kỉ niệm 50 năm thành lập khoa Cơ và Điện
nguồn: Bác Nguyễn Trọng Luân

Với chúng tôi những kĩ sư tốt nghiệp ở đại học Cơ Điện Bắc Thái nay là đại học KTCN Thái Nguyên thì cuối thu đầu đông luôn là kỉ niệm se sắt nao lòng. Cho tới về già ai cũng thấy những ngày đầu mùa đông Thái Nguyên sao mà đẹp thế. Người ta thích mùa thu hồ tây thế nào thì chúng tôi yêu đầu đông Thái Nguyên như thế. Chúng tôi từng sống với  hoa lau bạc đầu, sống với rừng sim mua ràn rạt màu nâu trong gió heo may. Ngày xưa trường tôi là thế đấy. Những quả đồi nối nhau một màu cỏ úa và bập bùng sim mua từ T Ba nhất miên man ngót chục cây số đến tận xã Bình Định có con sông Công chảy qua. Trường tôi cứ như một xã miền núi mà mỗi khoa là một làng. Từ làng lên xã qua suối qua đồi qua ruộng và lũ sinh viên chúng tôi hái hoa nhặt cỏ may trên gấu quần mỗi hôm tập trung toàn trường trên sườn đồi có những con chim sâu nhảy nhót ngó nghiêng chúng tôi từ trên vòm lá bạch đàn.

Chúng tôi học trong địa đạo. Chúng tôi học trong lớp lợp mái gianh nứa cong vênh mùa nắng ướt dượt mùa mưa. Bàn bằng tre, ghế bằng tre. Thày cô vào lớp đứng run run trên bục giảng vì lớp học trống huơ trống hoác. Ngày ấy thày trò chúng tôi hăm hở như nhau, hăm hở học và hăm hở dạy học, hăm hở lên đường cầm súng đánh giặc. Có ở đâu trên trái đất này thày trò ở cấp đại học trở thành đồng đội chia lửa đạn với nhau như ở Việt Nam ta? Có ở đâu sinh viên và giáo sư gọi nhau là anh là đồng chí, cùng cha nhau những củ sắn luộc rồi lên lớp trong tiếng pháo cao xạ bắn tàu bay Mỹ.  Có ở đâu đồ án công trình khoa học nở ra từ trong lửa đạn chết chóc. Trường tôi Đại Học Cơ Điện ngày ấy như cái tên của chàng trai khỏe mạnh chịu thương chịu khó và chấp nhận thử thách gian nan. Trường tôi như lứa con trai ngoan và giỏi giang của Đại học Việt Nam những năm Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Trường tôi như một sự thử thách lòng yêu nghề và vượt khó của những người thày được đào tạo từ nước ngoài về. Là sự tự hào của sinh viên vào trường bởi thi vào trường tôi là rất khó.

Chúng tôi tự hào về tên trường tôi. Đại học Cơ Điện. Tôi cũng từng biết các thày tôi học ở Liên Xô cũ về tự hào về cái tên trường MÂY ( Cơ Điện) . Chúng tôi tự hào vì sinh viên trường tôi có truyền thống vượt lên khó khăn để tự học tập và chấp nhận khó khăn để làm nghề.  Chúng tôi đã từng tự hào khi ra trường mang tấm bằng tốt nghiệp Đại học Cơ Điện đi nhận công tác trước sự mến mộ của nơi tiếp nhận. Truyền thống Cơ Điện là tài sản của đời Kĩ sư chúng tôi. Truyền  thống Cơ Điện là văn hóa sống để yêu đời yêu người của chúng tôi. Truyền thống Cơ Điện là niềm vui chung hãnh diện trong đời sống vợ chồng gia đình chúng tôi.

Nửa thế kỉ đã qua. Trường tôi đã nhiều lần đổi tên. Mỗi lần đổi tên là một sự nuối tiếc chia tay với những giá trị thật của khoảng thời gian đằng đẵng. Có thể sự đổi tên mang dấu ấn địa kinh tế nhưng thương hiệu một mái trường sâu nặng bền bỉ cũng bỗng chốc đổi thay. Từ khi đổi tên trường thì thương hiệu KỸ SƯ CƠ ĐIỆN không còn nguyên nữa. Những thế hệ kĩ sư ra trường sau này đâu còn được như chúng tôi ngày xưa, dễ tìm nơi công tác mặc dù các em cũng rất giỏi giang bởi các em được đào tạo ở một mái trường lõi cốt là ĐH Cơ Điện ngày xưa.

Dù đã hàng chục năm sau khi tên trường thay đổi nhưng kí ức người Thái Nguyên nói riêng và người miền Bắc nói chung vẫn nhớ tên trường Đại Học Cơ Điện Bắc Thái. Thương hiệu một mái trường giống như  thứ vật liệu quý được gia công bởi những bàn tay tài giỏi thành cái tên lấp lánh mãi với thời gian. 
  Tôi yêu trường Đại học Cơ Điện của tôi nay là ĐH KTCN Thái Nguyên và tôi ước ao rằng một ngày nào đấy gần đây có một dự án mới trả lại tên cũ cho trường mình. Tôi mơ ngày trường tôi trở lại mang tên Đại Học Cơ Điện

— với Bot Van Dong và 16 người khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét