Bài phát biểu của đại diện cựu sinh viên khóa 10 - Đại học Cơ điện Bắc Thái
trong
Lễ kỷ niệm 50 năm ngày nhập trường (25/10/1974 -25/10/2024)
NGƯT. PGS.TS. Nguyễn Đình Mãn - Cựu sinh viên lớp K10MA
Bác Nguyễn Đình Mãn, CSV K10MA - NGƯT.PGS.TS, nguyên BTĐU, Hiệu trưởng trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật, ĐH Thái Nguyên
Kính
thưa các Thầy Cô giáo đã từng giảng dạy K10 máy và điện!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Trường
ĐHKT Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo
khoa Cơ khí và khoa Điện!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo
phòng, trung tâm và đoàn thanh niên Nhà trường!
Kính thưa các vị khách quý! Thưa
các anh chị em K10 máy và điện!
Thời gian trôi đi thật nhanh, 50 năm đã trôi qua, kể
từ ngày K10 nhập học vào trường Đại học Cơ Điện Bắc Thái. Hôm nay, từ khắp mọi
miền của đất nước và trên thế giới, chúng ta gặp mặt tại đây để kỷ niệm 50 năm
ngày vào trường. 50 năm trôi qua như một giác mơ, với biết bao đổi thay, nhưng cũng
để mỗi người kịp nhận ra mình khi chúng ta trở lại đây, trên mảnh đất gang thép
Thái Nguyên của một thời tuổi trẻ đầy ắp những kỷ niệm về thầy cô, về bạn bè và
trường Đại học Cơ điện thân yêu.
Thay mặt cho toàn thể
anh chị em cựu K10 Cơ điện có mặt trong hội trường ngày hôm nay, tôi xin gửi tới
các Thầy Cô giáo, gửi tới các đồng chí lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa Cơ
khí và khoa Điện, lãnh đạo các phòng, trung tâm, đoàn thanh niên, cùng tất cả
các cựu sinh viên K10 và các nàng dâu của K10 lời chúc sức khỏe và lời chào
trân trọng nhất!
Kính thưa các đ/c lãnh đạo Trường Đại học Kỹ thuật Công
nghiệp!
Chúng tôi vô cùng phấn khởi và
vui mừng khi trở về lần này, cảnh quan môi trường có nhiều đổi thay, Nhà trường
khang trang, xanh, sạch, đẹp. Công tác phát triển đội ngũ, giảng dạy, nghiên cứu
khoa học đã có những thành tựu vượt bậc; nhiều chương trình đào tạo đạt chuẩn
quốc tế AUN; đặc biệt trong những năm gần
đây công tác tuyển sinh của Nhà trường rất tốt, thuộc vào top đầu của các trường
thành viên của Đại học Thái Nguyên. Điều đó khẳng định Nhà trường đang là một địa
chỉ tin cậy, có uy tín, có thương hiệu trong việc đào tạo những kỹ sư Việt đáp ứng
yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Xin được chúc mừng những
thành tựu mà Nhà trường đã đạt được trong những năm qua!
Kính
thưa các Thầy Cô giáo cùng các bạn!
50 năm - ngày nhập
học vào Trường
Về
đây ôn lại thân thương một thời
Dẫu
cho vật đổi sao dời
Tình
thầy, nghĩa bạn suốt đời sáng trong!
Vâng, nhớ lại ngày ấy, ngày 25/10/1974 là ngày nhập
học cho những bạn chính thức đăng ký dự thi vào Đại học Cơ điện, còn những bạn
đăng ký nguyện vọng 2 thì được Nhà trường gọi nhập học sau đó khoảng 1 tháng. Điểm
chuẩn vào trường của K10 là 18 điểm - xấp xỉ điểm chuẩn vào trường Đại học Bách
khoa Hà Nội. Ngoài học sinh phổ thông, K10 còn có một số anh là cán bộ đi học;
là K4, K5, K6 đi bộ đội xuất ngũ chuyển về học cùng K10. Số lượng sinh viên
K10, niên khóa 1974 -1979 có 5 lớp được chia thành 2 khoa, đó là khoa Cơ khí với
3 lớp Chế tạo máy là K10 MA, K10MB, K10MC cùng với khoa Điện có 2 lớp là K10IA
và K10IB, mỗi lớp có khoảng trên dưới 60 sinh viên, ước tính cả khóa có gần 300
sinh viên. Năm thứ nhất, cả 5 lớp ở chung tại nhà A3 ba tầng mới xây xong, sang
năm thứ hai 2 lớp K10 điện chuyển sang ở tại nhà A4. Điều đặc biệt là cả khóa
chỉ có 8 sinh viên là nữ, hồi đó các sinh viên nữ luôn được xem là “mì chính
cánh” đã làm tăng thêm sự đậm đà và ngọt ngào của “nồi canh Cơ điện”.
Kể
từ ngày nhập trường chúng ta đã đồng cam cộng khổ, gắn bó với nhau như 1 gia đình
trong suốt 5 năm trên mảnh đất gang thép Thái Nguyên. 50 năm trôi qua như 1 giấc
mơ mà tưởng chừng mọi chuyện như vừa mới hôm qua, hôm kia đây thôi. Thời gian
cùng với những kỷ niệm vui buồn của thời tuổi trẻ ấy như những thước phim quay
chậm vẫn hiện hữu trong tâm trí của mỗi chúng ta.
Hôm nay, sau nhiều năm
xa cách, những chàng trai cô gái ngày đó, hầu hết ở độ tuổi 17, nay đã trên dưới
70, có anh đã tuổi 80, tất cả đã thành ông, thành bà, mái tóc đã bạc, sức khỏe
đã hao gầy theo năm tháng lại hội tụ về đây, về với thủ đô gió ngàn, về với ga
Lưu Xá, về với chợ T. Ba nhất, về về với nhà A3, A4; về với thầy và trò trường
Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái nguyên để gặp lại nhau, tri ân các thầy cô, kết
nối bạn bè, khắc sâu kỷ niệm vui buồn của một thời sinh viên trẻ trung sôi nổi.
Kính
thưa các Thầy Cô và các bạn!
Nửa thế kỷ đã trôi qua,
chúng ta vẫn ghi sâu trong ký ức từng dãy nhà, từng bậc cầu thang, từng hàng
cây xà cừ, từng cây phượng vĩ và những những lối đi quen thuộc. Quên sao được bài nói
chuyện đầu tiên của Thầy Nguyễn Quốc Phồn giới thiệu về tầm quan trọng của
ngành Cơ khí Chế tạo máy và ngành Điện khí hóa xí nghiệp. Quên sao được những
chuyến tàu Hà Nội - Thái Nguyên, cảnh sinh
viên trốn vé nhảy tàu như những diễn viên xiếc thực thụ. Vẫn nhớ lắm những đêm
tốp 5, tốp 3 đi uống chè ấm, nhấm nháp lạc rang, ăn sắn luộc tại quán chị Thủy
mù, quán bà Thê. Vẫn nhớ cái hương vị ngất ngây của phở Sáu, phở Hát. Nhớ những
đêm thực tập ngoài xưởng co ro về khuya. Nhớ những giấc ngủ mùa đông quấn hết cả
chăn, cả màn, cả chiếu vào nhau cho đỡ lạnh.Nhớ những bộ quần áo mặc chung nhau.
Nhớ những đêm học bài dưới ánh sáng của đèn dầu mazut khói mù mịt để sáng ra 2
lỗ mũi đen như 2 ống khói. Rồi nữa, vẫn ám ảnh bởi cái đói hành hạ, đeo đẳng
mãi 5 năm, đói làm cho vàng cả mắt, bủn rủn cả chân tay, nhất là vào các kỳ
thi, phải thức khuya lại càng đói. Hồi ấy chủ yếu là ăn hạt bo bo hoặc ngô độn
cơm, thức ăn mặn là là một ít cá mắm, nồi canh là nước luộc vài ba lát củ đậu hoặc
một ít rau muống. Rồi nhớ chuyện đi mua trà để uống: Cứ ba bốn người rủ nhau đi
chợ T. Ba nhất, chợ có rất nhiều trà của dân sao bằng tay và cho thử thoải mái,
anh em làm bộ đi mua, mỗi chỗ bán trà xúm nhau vào thử rất lâu, thấy người bán sơ
ý là dốc ngược trà vào tay áo, chỉ cần đi 1 vòng là có mấy ấm trà đặc ngon
lành. Rồi nhớ cảnh mùa đông đi tắm nhờ nước nóng ở các nhà máy của khu Gang
thép - tất cả đều “tắm tiên” mà mỗi lần tắm ở đó không khỏi ngại ngùng. Rồi cảnh các bạn
nữ khi đi ra khỏi nhà ở tầng 1 đều phải đội nón vì sợ các trận “mưa tầng” của
các bạn nam ở các tầng trên. Quên sao được những âm thanh trầm bổng của các bản
nhạc do bạn Chính tơ chơi đàn ghi ta trong những đêm đông giá lạnh. Vẫn nhớ mãi
cái giọng hát khỏe khoắn, hùng tráng của anh Nguyễn Trọng Chiến K5M về học cùng K10MC đã từng khuyấy động sân
khấu năm xưa với những ca khúc nổi tiếng: “Goantanamera, Người chiến sĩ ấy”, v.v…và
có quá nhiều, quá nhiều kỷ niệm về chuyện
ăn, chuyện học, chuyện chơi ngày ấy
không giấy bút nào có thể kể hết được.
Thế rồi 5 năm cũng đã kết
thúc trong sự miệt mài, chịu khó, chịu khổ của mọi người. Ngày ra trường cũng đến,
ngày ấy sinh viên được giao làm đồ án tốt nghiệp, một sinh viên một đề tài,
cũng có những đề tài được giao cho vài sinh viên. Ngoài ra cũng có những bạn được
về các nhà máy, xí nghiệp để làm các đề tài gắn với thực tế sản xuất. Ngoài đồ
án tốt nghiệp, chúng ta còn phải thi thêm môn Chính trị Quốc gia nữa. Ngày
20/10/1979 Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã ra quyết định
công nhận tốt nghiệp đại học cho hệ dài hạn khóa 1974-1979 cho 128 sinh viên
ngành Chế tạo máy và 113 sinh viên ngành Điện khí hóa xí nghiệp.
Tốt nghiệp đại học, những
kỹ sư K10 Cơ điện đã rời mái trường thân yêu, đi về khắp mọi miền của Tổ quốc,
mang tri thức đã học được để dựng xây quê hương, đất nước. Đã có biết bao nhiêu
cựu sinh viên K10 trở thành những nhà khoa học, nhà lãnh đạo, nhà kinh tế và tất
cả chúng ta dù có giữ cương vị hay không đều đã đóng góp công sức của mình cho
sự nghiệp hiện đại hóa đất nước, cho hạnh phúc của mỗi gia đình và làm rạng
danh mái trường Đại học Cơ điện.
Có thể kể ra đây một số
gương mặt tiêu biểu. Về K10 Máy có bạn Phan Quang Thế - PGS. TS - Nhà giáo ưu
tú - cố Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên; bạn
Phạm Đức Tiến - cố Tổng Giám đốc Công ty chiếu sáng và Thiết bị đô thị; bạn Nguyễn
Văn Hùng - nguyên Bí thư đảng ủy, Giám đốc Công ty, Phó chủ tịch thường trực kiêm
Tổng thư ký Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam; bạn Mai Xuân Hòa -Tiến
sĩ - nguyên Trưởng ban Quản lý khu kinh
tế Hải Phòng; anh Ngô Đức Hưng - nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp Sơn La, Chủ tịch
liên minh HTX tỉnh Sơn La; anh Lê Khánh Vinh - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần
Công nghiệp đúc Vinasin; anh Lã Pính San - nguyên Phó Giám đốc Sở công nghiệp tỉnh
Lạng Sơn, Chủ tịch liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn; bạn Nguyễn Văn Khôi - nguyên
Giám đốc Công ty Diezen Sông Công; anh Nguyễn Văn Lanh - nguyên Chủ tịch Hội đồng
quản trị kiêm Tổng Giám đốc và Bí thư Đảng bộ Công ty cổ phần Cơ khí dệt may
Hưng Yên, thuộc tập đoàn dệt may Việt Nam; trong lĩnh vực NCKH có bạn Nguyễn Trọng
Bằng - Thạc sĩ - nguyên Trưởng phòng chuyển giao công nghệ - Sở Khoa học và Công
nghệ Hà Nội, là tác giả và đồng tác giả của 2 Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt
Nam Vifotec năm 2001 và 2010, 14 bằng phát minh sáng chế về công nghệ plasma,
hiện nay vẫn đang say mê NCKH và ứng dụng trong thực tế.
Về K10 Điện có anh Hà
Đình Minh - cố Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch Hội đồng quản trị
kiêm Tổng giám đốc Công ty Chế tạo máy điện Việt - Hung; bạn Nguyễn Tấn Lộc - nguyên Phó TGĐ Tập đoàn
Điện lực Việt Nam; bạn Phạm Hữu Đức Dục -NGND. PGS.TS - nguyên Hiệu trưởng trường
ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp; bạn Dương Đức Phương - Thạc sĩ - NGND - cố
Hiệu trưởng Trường Công nhân kỹ thuật Tàu quốc; bạn Nguyễn Mạnh Hiền - nguyên Tổng biên tập Tạp
chí Lao động công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; bạn Nguyễn Đắc Thủy -
nguyên Giám đốc Công ty xây lắp điện Lạng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương Lạng
Sơn; bạn Lại Khắc Lãi - PGS.TS. Nhà giáo ưu tú - nguyên Trưởng ban Quản lý khoa
học Đại học Thái Nguyên, đã nghỉ hưu nhưng chưa nghỉ việc, hiện nay bạn Lãi vẫn
tiếp tục giảng dạy, NCKH và hướng dẫn nghiên cứu sinh tại trường đại học Kỹ thuật
Công nghiệp; tiếp đến là bạn Bùi Văn Chất - nguyên Giám đốc Công ty Xây lắp điện
Hải Phòng; bạn Đỗ Thị Sơn - nguyên Trưởng phòng Tổ chức, Tổng Công ty Bưu chính
viễn thông Việt Nam.
Và còn rất nhiều, rất
nhiều gương mặt khác nữa, nhưng vì thời gian không cho phép nên chưa kể tên hết
ra đây được, rất mong các bạn hết sức thông cảm.
Kính
thưa các Thầy Cô giáo và các bạn!
Trong niềm vui hân hoan
của ngày hội ngộ, chúng ta cũng không thể quên những người thầy, người bạn đã
ra đi mãi mãi. Dù không còn hiện diện bên cạnh, nhưng họ vẫn luôn là một phần
không thể thiếu trong ký ức của mỗi chúng ta. Những người thầy, người bạn quý mến
đó đã để lại trong tim chúng ta một khoảng trống mãi mãi không bao giờ lấp đầy
được.
Kính
thưa các Thầy Cô giáo và các bạn!
Thật là thiếu sót, khi nói đến điều khác biệt của K10 mà không nói đến trong tổng số 300 sinh viên thì có trên 45 sinh viên là cán bộ đi học và là bộ đội xuất ngũ từ các khóa trước (K4, K5, K6). Sau những năm tháng hoàn thành nhiệm vụ cầm súng bảo vệ Tổ quốc, các anh lại trở về mái trường xưa; sắc xanh của quần áo lính đã hòa nhanh vào sắc màu áo trắng của những sinh viên nhập học từ học sinh phổ thông. Nhiều anh đã được Ban chủ nhiệm khoa giao trọng trách làm cán bộ lớp, hoặc là lớp trưởng, hoặc là làm lớp phó, bí thư chi đoàn hoặc bí thư chi bộ. Miệt mài, chịu khó trong học tập, tích cực, đầu tàu, tận tình và có trách nhiệm cao với mọi hoạt động của lớp, các anh luôn là tấm gương mẫu mực cho lớp trẻ noi theo. Chính các anh đã truyền cảm hứng về tinh thần và thái độ học tập tích cực cho lớp trẻ. Kết quả học tập và rèn luyện hàng năm của tập thể các lớp đều có sự đóng góp rất lớn công lao của các anh.
Ngày 24/8/1978, 12 sinh viên K10CĐ đã nhập ngũ lên đường bảo vệ TQ. Các bạn đã tham gia cuộc chiến biên giới tháng 2.1979 chống quân TQ xâm lược. Từ 15/10/1979 ÷ 15/1/1979, hơn 100 kỹ sư cơ điện ra trường đã tham khóa huấn luyện sĩ quan dự bị, hơn nửa số đó đã tham gia quân ngũ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, một số bạn đã trở về tiếp tục học ra trường và một số sĩ quan dự bị đã chuyển ngành. Các kỹ sư cơ điện - người lính ấy đã đi khắp nơi tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kính
thưa các Thầy Cô giáo và các bạn!
Tròn nửa thế kỷ đã trôi
qua, hôm nay chúng ta ngồi đây với nhau, nhớ lại lịch sử K10 Cơ điện, điểm lại
những điểm nổi bật của K10 đã làm được trong những năm qua để tự hào với những
gì K10 kiêu hùng đã làm được. Có thể kể ra đây những điểm nhấn đó:
Năm 2004, lần đầu tiên K10 Cơ điện đã tổ chức
rất thành công chương trình kỷ niệm 30 năm ngày nhập trường ( 25/10/1974-
25/10/2004) với sự có mặt của hơn 120 cựu sinh viên. Vào ngày đó chúng ta đã công
bố thành lập Hội cựu sinh viên K10.
Năm 2009, nhân dịp kỷ
niệm 35 năm nhập trường, 30 năm tốt nghiệp ra trường, từ khởi xướng của một
nhóm nhỏ, được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo anh em đồng môn, gần như toàn
bộ K10 đã tập trung đông đủ tại hồ Núi Cốc và tại trường, tạo nên hai ngày lễ lịch
sử của K10 Cơ điện: Ngày ấy & Bây giờ 2009. Trong lễ kỷ niệm lần này chúng
ta có vinh dự được cùng thầy Hiệu trưởng trồng 5 cây lưu niệm cho nhà trường (đại
diện cho 3 lớp máy, 2 lớp điện).
Từ đấy, hàng năm K10 Cơ
điện duy trì tổ chức ngày hội K10 Cơ điện của mình, đặc biệt ấn tượng là:
Ngày hội K10 Cơ điện Ngày
ấy & Bây giờ 2013 tái lập lại cảnh sinh hoạt ở T. Ba nhất xưa.
Ngày hội K10 Cơ điện
2014, nhân kỷ niệm 40 năm nhập trường, 35 năm tốt nghiệp, tái lập lại cảnh đón
sinh viên nhập trường, dàn dựng lễ khai giảng 1974 và bế giảng 1979 với những sự
kiện gợi nhớ lại không gian xưa. Ngày hội được tổ chức rất công phu và hoành
tráng tại Khu đô thị EcoPark đã làm sống lại những ngày thanh niên sôi nổi, vô
tư, trong trắng. Để tổ chức thành công ngày hội K10 Cơ điện 2014 có sự đóng góp
rất lớn công sức của bạn Nguyễn Văn Hùng K10MA, chính bạn Hùng là người xây dựng
kịch bản và đạo diễn chương trình tại EcoPark 2014.
Rồi đến năm 2017, nhân dịp kỷ niệm tròn 60 tuổi
của các thành viên K10, chúng ta lại cùng nhau tổ chức lễ hội Lục thập hoa giáp
của những con gà Đinh dậu, một dấu ấn của K10 với kỷ niệm chương Lục thập hoa
giáp cho tất cả các thành viên tham gia ngày hội.
Chúng ta đã biên tập và xuất bản được 2
cuốn sách kỷ yếu K10 Cơ điện Ngày ấy & Bây giờ 2009 và 2014. Hai cuốn kỷ yếu
này là những tài liệu vô giá, là những tư liệu lịch sử giúp cho chúng ta nhớ lại
và tự hào về một thời sinh viên tươi đẹp và đầy khát vọng. Rồi chúng ta cũng đã
thiết kế và chế tạo những chiếc huy hiệu K10, mũi tên T. Ba nhất lịch sử, đĩa sứ
kỷ niệm Cơ Điện, lô gô ghép hình huy hiệu K10 Cơ điện, kỷ niệm chương Lục thập
hoa giáp.
Đặc biệt, K10 Cơ điện đã
tham gia tích cực và với vai trò chủ lực trong 2 sự kiện chính tại trường Đại học
KTCN là:
- Năm 2015, tham gia
đêm giao lưu giữa thế hệ Cơ Điện cùng thế hệ Công nghiệp nhân dịp kỷ niệm 50
năm thành lập trường, khơi lại niềm tự hào truyền thống Cơ Điện với thế hệ sinh viên hiện tại.
- Năm 2016, tổ chức vận
động xây dựng Tháp bút Cơ Điện, là quà tặng của thế hệ Cơ Điện cho nhà trường
và các thế hệ đàn em. Một tượng đài mang nhiều ý nghĩa lịch sử và giáo dục truyền
thống của nhà trường. Bạn Nguyễn Văn Hùng - Cựu sinh viên K10MA là người đưa ra
ý tưởng thiết kế và là trưởng ban vận động xây dựng Tháp bút Cơ Điện ngày ấy.
Và gần đây chúng ta tiếp
tục ủng hộ việc xây dựng Tượng đài kỷ niệm thầy trò Cơ Điện gác bút nghiên lên
đường, cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
Với
những đóng góp của cựu sinh viên K10 cho đất nước và với rất nhiều việc làm có
ý nghĩa, chúng ta có quyền tự hào về một K10 kiêu hùng, “50 năm tự hào cùng với Đại học KTCN”.
Kính
thưa các Thầy Cô giáo kính mến!
Chúng em thật sự xúc động
khi được gặp lại một số Thầy Cô đã từng giảng dạy và hướng dẫn thực tập K10.
Chân thành cảm ơn các Thầy Cô đã dành sự quan tâm và những tình cảm đặc biệt
cho chúng em. Mặc dầu tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng các Thầy Cô vẫn cố gắng tới
đây để chung vui với ngày hội khóa của K10. “Không thầy đố mầy làm nên”, chúng em xin gửi lời cảm ơn trân trọng
vì tất cả sự tận tụy dạy dỗ và dìu dắt của các Thầy Cô trong những năm chúng em
học tập tại trường Đại học Cơ điện Bắc Thái.
Chúng em luôn tự hào, một
thời đã được làm học trò của một ngôi trường luôn vượt lên trên mọi khó khăn, một
ngôi trường có truyền thống “Người Cơ Điện ở đâu, tình cũng như lửa
cháy”, đã đào tạo nên nhiều thế hệ sinh viên tài năng, có ý chí, có nghị
lực, luôn gắn bó với nhau, trân trọng cội nguồn, trân trọng mái trường xưa và
trân trọng công lao của các Thầy Cô giáo:
Ơn
Thầy biển rộng vô bờ
Biển
bao nhiêu nước cho vừa biển ơi!
Đại
dương có lúc đầy vơi
Tấm
lòng Thầy mãi sáng ngời nhân gian!
Thưa toàn thể cựu sinh viên K10 Cơ điện!
50 năm còn gặp được
nhau tại đây - trong dịp kỷ niệm ngày nhập trường lần này là điều hạnh phúc lớn
lao của mỗi người mà chúng ta không dễ gì có được. 50 năm nhìn lại, bâng khuâng
với những kỷ niệm xưa, nghĩ về cuộc sống hiện tại, bình thản với tuổi xế chiều
đang đến.
Thời gian ơi, hãy chầm
chậm trôi để ngày hội ngộ hôm nay, mọi người có thể vui bên nhau được lâu hơn nữa,
ôn lại được nhiều kỷ niệm và chia sẻ với nhau nhiều nỗi niềm hơn nữa.
Chúng ta hy vọng sẽ còn
gặp lại nhau trong dịp kỷ niệm 55 năm, 60 năm,… ngày nhập học vào trường. Cầu
trời, khấn phật cho chúng ta sức khỏe và bình an để thực hiện được điều mong ước
đó. Tôi xin được đọc 2 câu trong bài “Hịch Cơ Điện” của bạn Trịnh Công Vương, cựu
sinh viên lớp K10MA:
“Đừng
ngần ngại dăm lần tái ngộ, còn nhiều đâu ngân quỹ thời gian
Hãy cùng nhau một cuộc bình sinh, chẳng
mấy chốc theo người thiên cổ”
Thay mặt cho tập thể cựu sinh viên K10 Cơ điện, xin
được trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Nhà trường, lãnh đạo các phòng, khoa, trung tâm
đã tạo điều kiện về mọi mặt, giúp đỡ nhiệt tình để có thể tổ chức thành công buổi
gặp mặt đầy ý nghĩa hôm nay.
Cuối cùng, xin kính
chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các đồng chí lãnh đạo nhà trường,
lãnh đạo các phòng, khoa, trung tâm, các Thầy Cô giáo cùng toàn thể các cựu
sinh viên K10 và các nàng dâu của K10 có thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và bình
an. Chúc cho trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp luôn luôn là một địa chỉ tin cậy
trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học; tư vấn, ứng
dụng và chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước
và hội nhập quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn và hẹn ngày gặp
lại./.
Thái Nguyên, ngày 25 tháng 10 năm 2024
Nguồn Bác Nguyễn Trọng Bằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét